11 tháng 6, 2014

Hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển hiệu quả

Chính phủ họp phiên thường kì tháng 5 đưa ra Dự thảo Nghị định của Chính phủ về xây dựng một số chính sách phát triển thủy sản đến năm 2020 nhằm khuyến khích phát triển nhanh đội tàu đánh bắt xa bờ, hỗ trợ yên tâm vươn khơi bám biển hiệu quả…

Trước việc Trung Quốc trắng trợn hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 nằm sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh tế của ngư dân Việt Nam, Chính phủ đã đưa ra quyết sách mới giúp ngư dân yên tâm đánh bắt xa bờ, góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia, như: Hỗ trợ ngư dân vay đóng tàu sắt tới 90% trong thời hạn 10 năm, lãi suất 3%/năm; tàu gỗ là 70%… giúp công ty và ngư dân ổn định sản xuất, tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, giảm sự lệ thuộc nước ngoài về kinh tế.

Theo ĐB Quốc hội Nguyễn Tấn Tuân (Khánh Hòa), trước đây Chính phủ đã có chương trình hỗ trợ xăng dầu cho ngư dân đánh bắt thủy hải sản; nay thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất 3%/năm cho ngư dân đóng tàu, càng tạo điều kiện thuận lợi giúp ngư dân bám biển. Song, các cơ quan nhà nước, Hội Nghề cá các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn, hướng dẫn ngư dân cách làm ăn đạt hiệu quả. Trường Sa, Hoàng Sa là ngư trường lớn, truyền thống cha ông ta đánh bắt cá từ bao đời, nên dù Trung Quốc dùng mọi thủ đoạn độc ác phá, đuổi, bắt, đâm chìm tàu, ngư dân Việt Nam quyết không rời bỏ ngư trường này. Mấy năm nay, trên huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành lập Sở Dịch vụ hậu cần nghề cá, phối hợp giúp các nghiệp đoàn nghề cá làm ăn hiệu quả. Song, các tổ chức nghiệp đoàn nghề cá phải là đại diện cho quyền lợi của ngư dân; khi tàu gặp sự cố, bị tàu nước ngoài tấn công, đàn áp, nghiệp đoàn nghề cá phải là người đầu tiên đứng lên bảo vệ, có thể khởi kiện để ngư dân yên tâm bám biển.

Nhân dân cả nước cũng như trong diễn đàn Quốc hội thể hiện sự đồng tình cao với Dự thảo Nghị định của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản đến năm 2020, xây dựng hành lang pháp lí để triển khai; đồng thời yêu cầu Nhà nước tập trung đầu tư vào khâu yếu nhất của ngư dân là phương thức sản xuất tập thể trên biển và vấn đề hậu cần nghề cá. Sự việc trên Biển Đông vừa qua cho thấy, tàu ngư dân ra khơi đơn lẻ sẽ rất nguy hiểm, phải liên minh bằng mô hình kinh tế tập thể, thành lập các công ty dịch vụ hậu cần nghề cá; hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ nước ngọt, đá cây, xăng dầu; tàu dịch vụ quản lí và bảo dưỡng tàu cá theo quy trình hiện đại, tiêu chuẩn quốc tế; bảo quản sản phẩm đánh bắt giúp ngư dân giảm thời gian, chi phí máy móc, vật tư, nguyên vật liệu… nâng cao hiệu quả kinh tế mỗi chuyến ra khơi.

Trong thời điểm ngân sách còn hạn chế, Nhà nước cần chọn khâu đột phá, tập trung hỗ trợ ngư dân những nhu cầu thiết yếu cùng với hỗ trợ vốn để bà con đóng tàu sắt; các cơ quan quản lí xác định mục tiêu, lộ trình thực hiện với bước đi thích hợp để xây dựng mô hình kinh tế tập thể…

Phạm Nguyễn – Phương Chi


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét