24 tháng 2, 2013

Gỡ "nút thắt" viễn thông để cải thiện nền kinh tế

mạng xã hội điện thoại nền kinh tế triều tiên thế giới người dân quyết định dịch vụ kinh tế máy tính bảng

QĐND- Koryolink, liên doanh cung cấp dịch vụ di động của các công ty Triều Tiên và Ai Cập mới đây đã đánh tiếng về việc sẽ cho phép người nước ngoài ở Triều Tiên được sử dụng dịch vụ internet 3G. Có vẻ như "đất nước đầy bí ẩn" dưới thời nhà lãnh đạo trẻ Kim Châng Un đã có những chính sách "cởi mở" hơn với thế giới bên ngoài, mà mục đích cuối cùng, theo các nhà phân tích, là nhằm tăng cơ hội giao thương phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế.

Nhân viên của Koryolink tại sân bay Bình Nhưỡng tư vấn cho khách nước ngoài về dịch vụ điện thoại di động. Ảnh: AP

Theo thông báo của Koryolink được AP đăng tải, kể từ đầu tháng sau, người nước ngoài ở Triều Tiên sẽ có cơ hội tiếp cận với mạng xã hội Twitter, phần mềm Skype và lướt web trên điện thoại di động, máy tính bảng iPad và các thiết bị di động khác dựa trên nền tảng dịch vụ internet 3G. Mặc dù điều này không được áp dụng cho người dân Triều Tiên, nhưng quyết định nới lỏng kiểm soát viễn thông nói trên của Triều Tiên ít nhiều vẫn nhận được sự đánh giá tích cực từ phía dư luận quốc tế.

Đặc biệt, thông báo trên được đưa ra không lâu sau khi Triều Tiên cho phép người nước ngoài mang điện thoại di động vào nước này, với điều kiện dùng SIM Card của Koryolink. Suốt nhiều năm trước đó, người nước ngoài mỗi khi đến Triều Tiên thường bị tạm giữ điện thoại di động tại cửa khẩu hải quan và chỉ được nhận lại khi rời Bình Nhưỡng. Nay thì mọi việc đã dễ dàng hơn, bởi người nước ngoài chỉ cần điền số IMEI của điện thoại vào một mẫu đơn đăng ký với hải quan là đã có thể mang theo điện thoại vào Triều Tiên.

Được biết, khách nước ngoài khi đến Triều Tiên có thể mua SIM Card của Koryolink và dễ dàng gọi ra nước ngoài với mức cước dao động áp dụng cho từng quốc gia gọi đến. Tất nhiên, căng thẳng hiện nay trong quan hệ liên Triều khiến việc điện đàm từ Triều Tiên tới Hàn Quốc vẫn tạm thời bị cấm.

Có thể nói, hai quyết định nới lỏng kiểm soát viễn thông nói trên thực sự là một tín hiệu đáng mừng đối với người nước ngoài tại Triều Tiên bởi từ nay, họ sẽ được quyền kết nối với thế giới thông qua mạng toàn cầu khi sống, làm việc hoặc du lịch tại đất nước vốn được xem là một trong những quốc gia khép kín nhất thế giới.

Vừa qua, trong chuyến thăm tới Bình Nhưỡng, Chủ tịch Google Ê-rích Xmít (Eric Schmidt) cũng đã lên tiếng kêu gọi Chính phủ Triều Tiên mở rộng khả năng truy cập internet cho công chúng thông qua mạng viễn thông 3G của Koryolink. Theo quan điểm của ông Ê-rích Xmít, trong bối cảnh thế giới ngày càng trở nên liên kết hơn, việc không sử dụng mạng toàn cầu cũng như hạn chế thông tin khiến Triều Triên hầu như bị cô lập và điều đó dễ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế...

Theo AP, hiện nay người dân Triều Tiên vẫn chủ yếu sử dụng một hệ thống viễn thông riêng biệt với người nước ngoài mang tên gọi Kwangmyong do nhà nước quản lý. Hệ thống này bao gồm bảng tin nhắn, chức năng trò chuyện và thông tin truyền thông của nhà nước. Cũng chính vì vậy mà các mạng xã hội như Twitter hay Facebook hầu như không tồn tại ở Triều Tiên.

Đối với lĩnh vực điện thoại di động, sự xuất hiện của Koryolink đã giúp số người sử dụng di động tại Triều Tiên tăng mạnh trong vài năm trở lại đây. Tân Hoa xã cho hay, hiện có khoảng 1,8 triệu người Triều Tiên đã tiếp cận được với điện thoại di động trên toàn quốc, mặc dù điện thoại của họ không thể thực hiện các cuộc gọi quốc tế cũng như không kết nối với internet. Thương hiệu điện thoại phổ biến ở Triều Tiên là Huawei (Trung Quốc).

Trong bối cảnh Triều Tiên đã tuyên bố sử dụng khoa học và công nghệ để thúc đẩy phát triển kinh tế, việc mở rộng khả năng tiếp cận di động và internet được coi là bước đi cần thiết. Mặc dù chưa hề đưa ra những phát biểu chính thức, song những quyết định nới lỏng kiểm soát điện thoại di động và internet vừa qua cho thấy Bình Nhưỡng đang cố gắng tháo gỡ những "nút thắt" trong lĩnh vực viễn thông, từ đó mở ra những cơ hội làm ăn mới để cải thiện nền kinh tế cũng như đời sống của người dân nước này.

Chính vì vậy, sẽ không bất ngờ nếu trong thời gian tới nhà lãnh đạo Kim Châng Un tiếp tục có những quyết định cởi mở hơn trong lĩnh vực viễn thông giống như trong thời gian vừa qua.

ANH VŨ

triều tiên dịch vụ kinh tế quyết định mạng xã hội nền kinh tế thế giới người dân điện thoại máy tính bảng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét