Posted by : Unknown 9 tháng 1, 2013

(Toquoc)-Nhân vật được Barack Obama đề cử làm Bộ trưởng quốc phòng có thể bị Thượng viện bác bỏ, nhưng có vẻ được lòng Trung Quốc.  

Cựu Thượng nghị sĩ Chuck Hagel là người dám chấp nhận rủi ro chính trị. Khi còn đương chức tại Thượng nghị viện, ông đã nói với các đồng nghiệp: "Nếu các vị muốn có một công việc an toàn, hãy chọn nghề bán giày". Là nghị sĩ của đảng Cộng hòa, ông có quan điểm độc lập, chống lại cuộc chiến tranh Iraq do tổng thống của đảng Cộng hòa phát động. Ông cũng chỉ trích gay gắt chính sách đối ngoại của Tổng thống Bush. Phần lớn các nghị sĩ Mỹ thường ủng hộ bất cứ điều gì có lợi cho Israel, riêng Chuck Hagel phê phán "những cuộc vận động hành lang Do Thái" và bỏ phiếu chống lại lệnh cấm vận Iran và ủng hộ việc can dự với các nhóm như Hamas, Hezbollah.

Một trợ lý tại Thượng nghị viện nhận xét: "Ông ta còn yếu thế hơn cả Susan Rice bởi vì bà Rice còn nhận được sự ủng hộ của những thượng nghị sĩ đảng Dân chủ". Trong khi Chuck Hagel bị một số thành viên Dân chủ phản đối vì các tuyên bố của ông về Israel và trong một số vấn đề khác. Người bạn tin cậy tương đồng quan điểm với Barack Obama

Mạng tin Politico (Mỹ) cho biết, Tổng thống Obama chọn cựu Chuck Hagel vì hai lý do: Quan trọng nhất, ông Hagel và Tổng thống Obama có quan hệ cá nhân mật thiết và có cùng quan điểm về chính sách đối ngoại. Họ trở thành bạn bè tại Thượng viện và quan hệ hai người trở nên sâu sắc năm 2008 khi Hagel trở thành cố vấn không chính thức cho Obama về chính sách đối ngoại trong chiến dịch vận động tranh cử. Lần này Tổng thống Obama đề cử Chuck Hagel vì tin tưởng ông ta và vì ông ta là một tiếng nói độc lập.


Chuck Hagel (thứ hai từ trái) trong buổi Tổng thống Obama đề cử bộ trưởng quốc phòng và giám đốc CIA trong nội các mới. Hagel có thể đang ngồi "ghế nóng"

Năm 2008, Chuck Hagel không ủng hộ ông McCain, ngày càng bất đồng về các vấn đề chính sách đối ngoại quan trọng với ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa này trong khi lại tỏ ra công khai ủng hộ Obama. Ông Hagel đã tháp tùng Obama thăm Iraq trong chiến dịch tranh cử. Thứ hai, ông Obama muốn tạo ra những thay đổi sâu sắc trong chính sách đối ngoại của Mỹ: muốn hạn chế Mỹ can thiệp quân sự ở nước ngoài; muốn duy trì Mỹ như một cường quốc thế giới vượt trội, nhưng là một cường quốc có thể thành lập các liên minh với các nước khác; muốn duy trì một quân đội Mỹ mạnh nhưng cắt giảm chi phí hơn nữa để phục vụ chi tiêu trong nước. Ông Hagel ủng hộ các mục tiêu đó của Barack Obama.Hagel chỉ trích quy mô của quân đội Mỹ. Sau khi hoạt động hai nhiệm kỳ tại Thượng nghị viện, ông Hagel về làm giáo sư tại Đại học Georgetown. Ông còn làm đồng chủ tịch của Hội đồng cố vấn tình báo của tổng thống và thành viên của Hội đồng chính sách của Bộ trưởng quốc phòng Mỹ.

Tuy nhiên, việc lựa chọn ông Hagel có thể gây rủi ro cho Tổng thống Obama. Sự lựa chọn này vấp phải sự chống đối quyết liệt của hai Thượng nghị sĩ John McCain và Lindney Graham. Hai nhân vật có thế lực này từng đe dọa phủ quyết việc chỉ định Susan Rice làm Ngoại trưởng và buộc bà này phải rút lui ứng cử viên.Người có quan điểm lạc quan về Trung Quốc

Nếu có quyền bỏ phiếu thì người Trung Quốc chắc chắn sẽ bỏ phiếu chấp thuận Chuck Hagel làm bộ trưởng quốc phòng Mỹ. Tờ Nhật báo Trung Quốc gọi Chuck Hagel là "một người Cộng hòa kiên định" và chống chiến tranh Iraq; nhân vật này sẵn sàng làm việc với Trung Quốc. Shen Dingli, Giáo sư quan hệ quốc tế Trường Đại học Phúc Đán, Thượng Hải, nói: "Tôi thấy Chuck Hagel là một ứng cử viên tốt. Ông ta kiên định chống chiến tranh Iraq và là một người Cộng hòa ôn hòa và đáng kính".

Chuck Hagel là người có quan điểm lạc quan về Trung Quốc. Trong cuộc gặp thượng đỉnh NATO tại Chicago tháng 5/2012, Chuck Hagel nói với cử tọa: Trung Quốc đang trỗi dậy; "Chúng ta cần hoan nghênh điều này. Họ sẽ là những kẻ cạnh tranh, cũng như Ấn Độ, Brazil và những nước khác. Điều này được thôi". Thừa nhận những thách thức to lớn mà Trung Quốc phải đối mặt trong vấn đề chống nghèo đói, tạo việc làm, vấn đề minh bạch, nhưng đất nước này đang tiến lên. "Họ ngày nay là một cường quốc và họ sẽ tiếp tục là cường quốc. Điều đó tốt thôi. Chúng ta không được khúm núm trước họ; chúng ta cũng không cần phải lo ngại rằng họ sẽ chiếm vị trí của chúng ta trên thế giới".

Năm 2010, khi trò chuyện với Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, Hagel mô tả quan hệ Mỹ-Trung "có thể là một trong các mối quan hệ quan trọng nhất trong thế kỷ 21". Hagel tin rằng tập trung vào lợi ích chung là chìa khóa để phát triển mối quan hệ đôi bên cùng có lợi và nói: "Chúng ta có nhiều khả năng sống hòa bình và ảnh hưởng đến Trung Quốc nếu chúng ta được gắn kết bởi các quan hệ kinh tế và cùng chung lợi ích địa chính trị"; Trung Quốc đã trở thành một nước lớn trên thế giới cùng với Mỹ.

Năm 2008, Hagel chống lại những ý kiến tại Mỹ tẩy chay Thế vận hội Olypic Bắc Kinh.

Ông ta lập luận: "Chúng ta cần tìm xem quan hệ của chúng ta và đồng minh dựa trên lợi ích chung nào trong bối cảnh chiến lược rộng lớn nhất. Từ đó chúng ta có thể dàn xếp các bất đồng".

Fan Jishe, một chuyên gia nghiên cứu về Mỹ tại Viện hàn lâm khoa học xã hội Trung Quốc, cho rằng nhiều khả năng Hagel sẽ tiếp tục phong cách nhất quán của những vị tiền nhiệm gần đây là Leon Panetta và Robert Gates trong quan hệ với Trung Quốc. "Quân đội Mỹ sẽ tìm kiếm hợp tác nhiều hơn với Trung Quốc, nhất là trong các lĩnh vực an ninh phi truyền thống". Tuy nhiên, các thách thức vẫn tồn tại trong quan hệ quân sự Mỹ-Trung, mặc dù các quan chức cấp cao có bày tỏ thiện chí. Các mối lo ngại trong giới hoạch định chính sách và dư luận công chúng Mỹ nảy sinh cùng với những cuộc tranh chấp tại bãi Hoàng Nham và quần đảo Điếu Ngư. Một bộ trưởng mới cần biết cách dàn xếp các bất đồng và thậm chí một cuộc khủng hoảng có thể phát sinh giữa hai nước, đặc biệt xung đột về biển.

Theo Nhật báo Trung Quốc, trong khi có thể không có ai nêu nghi vấn lập trường của Hagel về Trung Quốc, nhân vật có quan điểm độc lập này có thể gây tranh cãi trong hàng ngũ đảng Cộnghòa cũng như Dân chủ. Những người vận động hành lang Do Thái có cách bày tỏ quan điểm riêng của mình: "Chúng tôi không thuộc phe chống đối (Hagel), chúng tôi thuộc phe lo ngại".

Sức ép đối với việc đề cử này sẽ tăng lên và nếu ứng cử viên này không vượt qua được cửa ải phê chuẩn của Thượng nghị viện Mỹ, giới quan sát Mỹ cho rằng, uy tín của Tổng thống Obama sẽ bị tổn hại không nhỏ.

Ở một phương diện khác, theo Bonnie Glaser, một nữ chuyên gia tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và các vấn đề quốc tế ở Mỹ, Hagel sẽ tìm cách giảm thiểu những hiểu lầm, tăng cường hợp tác và thúc đẩy quan hệ quân sự song phương Mỹ-Trung. "Tuy nhiên, vào thời điểm này, các yếu tố (lợi ích) chứ không phải cá nhân hoặc con người sẽ có vai trò quan trọng hơn trong việc định hình quan hệ song phương"./.

Lưu Việt


 

Source: toquoc.gov.vn/Sites/vi-vn/details/7/ho-so-quoc-te/113695/chuck-hagel--nguoi-co-quan-diem-lac-quan-ve-trung-quoc-.aspx

 

Popular Post

Blog Archive

Được tạo bởi Blogger.

- Copyright © 2025 Tin Moi Online, Tin Tuc, Tin Moi, News, Tin Tong Hop