- Back to Home »
- Chứng khoán Mỹ: Ngày vui kéo dài bao lâu?
thị trường chứng khoán lao động nền kinh tế chứng khoán chính sách kinh tế gia thị trường
Kể từ trung tuần tháng 11/2012 tới nay, thị trường chứng khoán Mỹ về cơ bản đã duy trì được cục diện tăng liên tục. Trong vòng chưa đầy 5 tháng, chỉ số Công nghiệp Dow Jones đã tăng gần 2.000 điểm, liên tục thiết lập kỉ lục mới, đạt 14.450,05 điểm vào phiên 12/3. Thực tế này cho thấy trong khủng hoảng, Mỹ vẫn thành công trong nỗ lực thu hút dòng vốn toàn cầu. Nhưng chỉ số Dow Jones sẽ đi được bao xa? Đây chính là chủ đề nóng mà các nhà đầu tư với cái đầu lạnh đang nỗ lực tìm lời giải đáp.
Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ ngày 8/3/2013. Ảnh: Xinhua/TTXVN |
Nếu chỉ số Dow Jones vượt qua ngưỡng 18.000 điểm, dòng hồi tưởng của các nhà đầu tư có thể trở lại với trào lưu đầu tư cổ phiếu những năm 1990. Khi đó, sau phiên vượt mốc 2.800 điểm vào ngày 2/1/1990, Dow Jones liên tục thiết lập kỉ lục mới. Niềm vui đã được duy trì trong 10 năm, tới khi Dow Jones đạt mức trên 11.700 điểm vào ngày 14/1/2000 rồi mới bắt đầu thoái trào. Nhưng nhà đầu tư cũng cần tính tới tiền lệ của năm 1972. Khi đó, niềm vui chỉ kéo dài vẻn vẹn trong 2 tháng sau phiên vượt mốc 1.000 điểm của Dow Jones vào ngày 14/11.
Trong bối cảnh hiện nay, có nhà phân tích cho rằng những biểu hiện tốt đẹp của chứng khoán Mỹ chủ yếu nhờ vào việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tiếp tục thực thi chính sách nới lỏng định lượng (QE), mỗi tháng bơm 85 tỉ USD ra thị trường. Theo cam kết của Chủ tịch FED, ông Ben Bernanke, Mỹ sẽ không rút QE (vốn đã kéo dài 5 năm, với nhiều phiên bản khác nhau) trước khi tỉ lệ thất nghiệp của nước này về mức 6,5% và lạm phát đạt mức 2%. Bên cạnh QE, sự chuyển biến của thị trường lao động cũng tác động tích cực tới thị trường chứng khoán. Số liệu mới nhất của Bộ Lao động Mỹ cho thấy tỉ lệ thất nghiệp tháng 2/2013 của nước này giảm thêm 0,2%, về 7,7%, là mức thấp nhất kể từ tháng 12/2008. Đây cũng là một tín hiệu khác củng cố nhận định rằng nền kinh tế và thị trường lao động Mỹ đang đi vào quỹ đạo phục hồi.
Ai cũng biết bất cứ chính sách kinh tế nào của Mỹ đều tính tới ảnh hưởng đối với thị trường chứng khoán. Có những chính sách tưởng chừng chẳng dính dáng gì đến thị trường chứng khoán, nhưng thực chất lại liên quan chặt chẽ với nhau. Ví dụ: Chính sách QE về danh nghĩa là nhằm trợ giúp phục hồi tăng trưởng kinh tế, nhưng trên thực tế có ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường chứng khoán. Chỉ số Dow Jones thời gian qua liên tục thiết lập kỉ lục là một minh chứng rõ ràng. Hơn thế, kể từ khi QE1 ra đời vào năm 2008, thị trường chứng khoán Mỹ luôn chứng tỏ vai trò thu hút vốn toàn cầu.
Nhưng nếu để ý sẽ thấy QE1, QE2 đều có thời gian và giá trị cụ thể. Khi QE1 và QE2 sắp đáo hạn, thị trường chứng khoán Mỹ đã lao dốc. QE3 không bị giới hạn bởi thời gian và giá trị mà gắn với sự phục hồi của kinh tế Mỹ. Phải chăng đây chính là chỗ dựa làm nên bước tăng trưởng ngoạn mục của Dow Jones? Dẫu vậy, trong cơn men say hưng phấn, các nhà đầu tư vẫn cần phải giữ cái đầu lạnh bởi sự thiếu đồng điệu giữa thị trường chứng khoán Mỹ (đi lên) và niềm tin của người dân nước này (đi xuống). Có thể vì lẽ đó mà trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Giáo sư kinh tế Nouriel Roubini thuộc Đại học New York (Mỹ), người được mệnh danh là "Tiến sĩ Ngày Tận thế", đã cảnh báo các nhà đầu tư nên chuẩn bị sẵn sàng vì trong 6 tháng cuối năm 2013 này, thị trường chứng khoán Mỹ có thể xuất hiện điều chỉnh. Nhiều nhà phân tích thuộc Goldman Sachs cũng nhận định về ngắn hạn, thị trường chứng khoán Mỹ có thể tiếp tục duy trì được đà tăng, nhưng giá trị cổ phiếu đã quá cao. Do đó, họ không đánh giá cao viễn cảnh sau này của thị trường chứng khoán Mỹ.
Hà Ngọc (P/v TTXVN tại Hồng Công)
kinh tế nền kinh tế thị trường chứng khoán chứng khoán chính sách thị trường gia lao động
Đăng nhận xét