- Back to Home »
- Malaysia trước cuộc bầu cử bước ngoặt
(Toquoc)-Dù chủ yếu được quyết định bởi các vấn đề trong nước, cuộc bầu cử sắp tới ở Malaysia vẫn bị ảnh hưởng bởi Mỹ và Trung Quốc. Các thăm dò trước bầu cử cho thấy liên minh ba đảng đối lập đang dẫn ưu thế.
Ngày 3/4, Thủ tướng Malaysia Najib Razak tuyên bố giải tán Quốc hội, mở đường cho cuộc tổng tuyển cử lần thứ 13. Trong tuyên bố được phát trực tiếp trên truyền hình quốc gia, Thủ tướng Najib cho biết ông đã nhận được sự chấp thuận của Quốc vương Malaysia. Thủ tướng cũng đề nghị các bang giải tán hội đồng lập pháp bang để tổ chức bầu cử đồng thời với cuộc bầu cử quốc hội liên bang. Trước đó, Hội đồng lập pháp bang Negeri Sembilan đã tự động giải tán vào ngày 28/3, là hội đồng lập pháp bang đầu tiên giải tán sau 5 năm hoạt động nhằm mở đường cho cuộc bầu cử tại bang này.
Theo Hiến pháp Malaysia, nhiệm kỳ 5 năm của chính phủ hiện tại sẽ kết thúc vào ngày 30/4 tới. Tổng tuyển cử sẽ phải tiến hành trong vòng 60 ngày kể từ ngày quốc hội được giải tán. Theo nhiều nguồn tin, cuộc tổng tuyển cử sẽ diễn ra vào cuối tháng Tư này.
Dựa trên danh sách cử tri mới nhất, thống kê đến tháng 12/2012, đã có 13,3 triệu cử tri Malaysia đủ tư cách tham gia bỏ phiếu để lựa chọn 222 đại biểu quốc hội liên bang và 505 ghế tại hồi đồng lập pháp bang.
Cuộc đua sít sao
Giới phân tích dự đoán, cuộc bầu cử sắp tới sẽ có kết quả sít sao nhất từ trước tới nay trong bối cảnh người dân đang quan ngại về nạn tham nhũng, chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ cũng như nạn tội phạm nghiêm trọng ở quốc gia nằm dưới sự lãnh đạo của liên minh Mặt trận Dân tộc kể từ khi Malaysia giành độc lập vào năm 1957.
Thủ tướng Najib đứng trước thách thức phải vực dậy liên minh cầm quyền sau thất bại trong cuộc bầu cử năm 2008 với kết quả chỉ giành được 140 ghế trên tổng số 222 ghế tại Quốc hội, không đủ đa số 2/3 ghế theo quy định. Ông Najib đã và đang nỗ lực hết sức khôi phục uy tín cho liên minh này bằng cách tiến hành một loạt cuộc cải cách nhằm vực dậy nền kinh tế cũng như trao cho người dân nhiều quyền tự do hơn.
Liên minh đối lập gồm 3 đảng mang tên Pakatan Rakyat (Thỏa ước của Nhân dân) được lãnh đạo bởi chính khách có tài lôi cuốn công chúng, nguyên Phó Thủ tướng Anwar Ibrahim, đã giành được những thành tích chưa từng có trong cuộc tổng tuyển cử gần đây nhất hồi năm 2008. Hiện liên minh nắm giữ 75 ghế tại Quốc hội và kiểm soát 4 trong số 13 bang của nước này.
"Đối với Pakatan Rakyat, đây là cơ hội tốt nhất để chúng tôi đem lại một chính phủ mới dân chủ và có trách nhiệm hơn. Tôi cho rằng chúng tôi đang có nhiều cơ hội giành chiến thắng trong khi ban lãnh đạo của ông Najib đang có những dấu hiệu tuyệt vọng. Mối quan ngại lớn nhất của tôi là họ có thể có những hành vi gian lận phiếu bầu và tiến hành các hoạt động bạo lực trước thềm cuộc bầu cử".
Các nhà hoạt động chính trị và phe đối lập đang yêu cầu tiến hành các cuộc bỏ phiếu tự do và công bằng. Họ còn tổ chức một số cuộc mít tinh kêu gọi sự thay đổi thể thức bỏ phiếu. Đáp lại, chính phủ Najib đã có một số biện pháp như ban hành loại mực không tẩy được để ngăn chặn tình trạng bỏ phiếu nhiều lần đồng thời cho phép người Malaysia sinh sống ở nước ngoài được bỏ phiếu qua đường bưu điện. Tuy nhiên, phe đối lập cho rằng những biện pháp này là chưa đủ để tạo ra một sân chơi bầu cử công bằng. Trong thông báo giải tán quốc hội, ông Najib hối thúc các chính đảng giám sát pháp trị đồng thời hứa sẽ tiến hành cuộc chuyển giao quyền lực êm ả nếu như phe đối lập chiến thắng.
"Nếu có sự thay đổi quyền lực, thì điều này sẽ và phải diễn ra trong hòa bình. Đó là cam kết của chúng tôi", ông Najib khẳng định. Ông cũng kêu gọi cử tri không "đánh bạc" với lá phiếu của mình bằng cách bỏ phiếu cho phe đối lập.
Mặc dù bị chỉ trích bởi nạn tham nhũng, để mặc tội phạm hoành hành, nhưng không thể phủ nhận, Malaysia đã đạt mức tăng trưởng kinh tế cao suốt nhiều thập kỷ qua dưới sự lãnh đạo của liên minh cầm quyền. Năm 2012, Malaysia là nền kinh tế lớn thứ ba Đông Nam Á, đã đạt tốc độ tăng trưởng tốt hơn dự kiến 5,6% nhờ giới tiêu dùng tăng chi tiêu do được khích lệ bởi các khoản trợ cấp tiền mặt trực tiếp cũng như một số biện pháp kích thích khác.
Lựa chọn Trung Quốc hay Mỹ?
Sau thất bại năm 2008, liên minh cầm quyền Mặt trận Dân tộc đã đề ra một loạt các biện pháp dân túy để thu hút cử tri, đặc biệt ở các bang kinh tế năng động đã bị rơi vào tay phe đối lập.
Bên cạnh đó, do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, để phục hồi nền kinh tế định hướng xuất khẩu của Malaysia, Thủ tướng Najib đã phải dựa vào Bắc Kinh, tăng cường thu hút đầu tư và trao đổi thương mại, tài chính, cơ sở hạ tầng và phát triểu khoa học công nghệ với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Malaysia, với kim ngạch thương mại đạt 90 tỷ USD trong năm 2011. Malaysia cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong Hiệp hội các quốc giaĐông Nam Á (ASEAN).
Truyền thông nhà nước Malaysia đưa tin, một khu công nghiệp liên hợp Malaysia-Trung Quốc đã được khởi công xây dựng ở khu vực Kuantan. Tổ hợp công nghiệp bao gồm một nhà máy sản xuất thép, một nhà máy sản xuất nhôm, một nhà máy lọc dầu cọ và mở rộng cảng Kuantan này sẽ tạo ra 8.500 việc làm mới. Kuantan đã được chọn làm địa điểm cho dự án hợp tác Malaysia-Trung Quốc do gần sát Biển Đông.
Con của Thủ tướng Najib và Ngoại trưởng Anifah Aman đều học tiếng Trung Quốc và điều này phản ánh ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở Malaysia. Chính phủ ở Kuala Lumper luôn có thái độ mềm mỏng trong tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Đông do qui mô hợp tác thương mại ngày càng gia tăng giữa hai nước.
Do những mối quan hệ chặt chẽ hiện hành, không còn nghi ngờ gì nữa về việc Bắc Kinh muốn Mặt trận Dân tộc của Thủ tướng Najib tiếp tục cầm quyền. Một chính quyền do nhà lãnh đạo đối lập Anwar Ibrahim, người được cho rằng thân Mỹ hơn, sẽ đe dọa làm gián đoạn chính sách phát triển của Thủ tướng Najib. Báo chí địa phương cho rằng Anwar Ibrahim có quan hệ với các nhà tư tưởng tân bảo thủ ở Washington.
Trong khi cũng có mối quan hệ tốt với các nhà lãnh đạo phương Tây, Thủ tướng Najib Razak không muốn làm phức tạp mối quan hệ Trung Quốc-Malaysia, khi Washington tiến hành "xoay trục" chuyểnsức mạnh quân sự sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương để đối trọng với Trung Quốc.
Về phần mình, nhà lãnh đạo đối lập Anwar Ibrashim được coi là con cưng của phương Tây và rõ ràng là một ứng cử viên hấp dẫn hơn trong con mắt người Mỹ. Cựu Thủ tướng Malaysia, Mahathir Mohamad, từng ám chỉ rằng Washington đã dùng tiền để thay đổi chế độ ở Malaysia, thông qua những nỗ lực ủng hộ phe đối lập. Các tổ chức phi chính phủ và các nhà hoạt động thanh niên đã phản bác ý kiến trên, coi đó là một thủ đoạn tuyên truyền cũ rích của liên minh cầm quyền trước thềm bầu cử.
Trong khi nhiều người Malaysia bày tỏ sự thất vọng với sựlãnh đạo của Mặt trận Dân tộc, chiến thắng của phe đối lập chưa được kiểm chứng có khả năng hủy hoại chính sách thúc đẩy tăng trưởng, thúc đẩy các dự án phát triển - trong dóbao gồm các dự án có vốn đầu tư Trung Quốc trong ngành công nghiệp, bất động sản và cơ sở hạ tầng.
Gần đây, ngân hàng đầu tư JP Morgan cũng đã bày tỏ quan ngại về tính không thể tiên đoán của thị trường Malaysia,trong trường hợp phe đối lập giành phần thắng trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới.
Làn sóng chỉ trích sự lãnh đạo của liên minh Mặt trận Dân tộc đang ngày càng dâng cao trong khi phe đối lập hứa hẹn một kỷ nguyên mới của tự do hóa chính trị và chấm dứt nạn tham nhũng thâm căn cố đế.
Chưa biết diễn biến chính trường Malaysia sẽ ra sao, nhưng có thể khẳng định, khi các cử tri đi bỏ phiếu lựa chọn Najib hoặc Anwar, cũng có nghĩa là họ gián tiếp lựa chọn con đường đi xích lại gần Trung Quốc hay Mỹ./.
Khánh An
Đăng nhận xét