Posted by : Unknown 8 tháng 4, 2013

Hội sách đầu tiên của năm 2013 ở TPHCM đã khép lại với nhiều niềm vui, nhất là khi sách bán chạy. Giữa thời buổi kinh tế khó khăn, đó quả là một tín hiệu lạc quan cho thị trường sách. Tuy nhiên, trong niềm vui lại có một nỗi buồn, nỗi buồn đến từ chính thành công của một gian hàng trong hội sách. Gian hàng bán "sách thời bao cấp" (chỉ mảng sách xuất bản trong những năm 80 của thế kỷ 20).

Bạn đọc già hay trẻ đều mê sách cũ.

Sách dịch cũ ăn khách

Trưa 27-3, chỉ vài giờ sau khi hội sách 2013 khai mạc, bạn đọc Hoàng Kiên, ở quận 11, đứng than trời, anh cho biết có được nghe giới thiệu tại đây có bán bộ truyện Tây Du ký bản in năm 1988 gồm trọn bộ 10 tập, háo hức chờ đến trưa nghỉ làm chạy ra thì sách đã bán từ sáng. Một nhân viên bán hàng bảo: "Mấy cuốn đó vừa khai mạc, người ta đã mua rồi, anh ra giờ này sao kịp". Anh Kiên cho biết, bộ đó tuy không xưa nhất (bản dịch đầu tiên là năm 1959) nhưng được xem là bản dịch hay nhất bộ truyện Tây Du ký từng được xuất bản trong nước. Dịch đầy đủ các tình tiết, thơ văn, có trích dẫn nguyên văn các thành ngữ của Trung Hoa và chuyển tải sang thành ngữ Việt Nam rất sát ý và thú vị. Đặc biệt, các trường đoạn chiến đấu, sự kiện sử dụng lối thơ vịnh cực kỳ hấp dẫn mà sau này không bản dịch nào làm nổi. Ngày còn nhỏ, đọc bộ sách đó anh nhớ mãi những bài thơ vịnh trong đó.

Một loạt đầu sách thời bao cấp khác cũng được bán rất nhanh trong dịp này như Hai mươi năm sau (phần 2 của Ba người lính ngự lâm), Sông Đông êm đềm, Cuộc đời chìm nổi của thuyền trưởng Blood, Tam quốc diễn nghĩa... Cho đến những ngày cuối của hội sách, phần sách ghi danh "bao cấp" hầu như không còn, chỉ còn một số tác phẩm ít nổi tiếng và sách đầu những năm 90 của thế kỷ trước.

Sách dịch "thời bao cấp" không chỉ thành công ở hội sách mà trên các diễn đàn văn hóa đọc còn được xem là một mặt hàng ăn khách, việc trao đổi mua bán rất nhộn nhịp.

Vì sao sách dịch "thời bao cấp" lại được bạn đọc chú ý như vậy? Về mặt giá trị sưu tầm thì sách giai đoạn này không có giá trị nhiều vì chưa đủ xưa, thiếu chất hiếm. Về hình thức thì có thể xem đây là giai đoạn sách in xấu nhất, giấy đen đầy sạn, người đọc phải căng mắt ra mới đọc nổi chữ (trừ một số sách do NXB Cầu Vồng, Liên Xô xuất bản). Điều đáng nói là hầu hết các tác phẩm đều đã được tái bản nhiều lần trong các năm gần đây với chất lượng in ấn, trình bày rất cao. Thế nhưng bạn đọc lại vẫn say mê những bản dịch đen đúa ngày đó mà chả mặn mà gì với các bản dịch khác.

Có thể lấy câu chuyện của bạn đọc có nickname doom trên diễn đàn sachxua.net để trả lời câu hỏi trên: "Tôi ra nhà sách, thấy bày bán tác phẩm Hai mươi năm sau do NXB Văn học xuất bản, bèn mua về với dự định cho con đọc để tiếp xúc với tác phẩm văn học kinh điển. Đến khi đọc lại mới bàng hoàng, chả hiểu bây giờ người ta dịch kiểu gì nữa. Ví dụ như nhân vật D'Artagnan vốn có lối nói chuyện rất tinh quái, đầy hóm hỉnh, thế mà trong bản dịch này đọc cứ như người máy nói chuyện, ý có thể không sai nhưng mà mất hoàn toàn cái chất riêng của nhân vật. Các nhân vật khác cũng thế, có cảm giác người dịch vừa tra tự điển vừa dịch vậy".

Trách nhiệm dịch giả?

Khi nhắc đến những dịch giả ngày đấy, bên cạnh năng lực, cái được bạn đọc ghi nhớ nhất có lẽ là tinh thần trách nhiệm. Thái độ làm việc của họ trở thành tấm gương của giới dịch thuật như dịch giả Nguyễn Hiến Lê dịch Lịch sử văn minh Trung Hoa của sử gia người Mỹ Will Durant. Ông Durant khi đó không biết tiếng Hán, vì thế mà phần thơ ông đều phải dựa vào bản dịch của người khác. Khi Nguyễn Hiến Lê dịch, ông luôn để trước mặt 3 văn bản, bản gốc tác phẩm của Durant, bản dịch bài thơ mà Durant dựa vào để phân tích và bản gốc tiếng Hán của bài thơ đó. Ở những đoạn nghi vấn, ông không sửa trực tiếp mà ghi vào chú thích theo kiểu "Đoạn này tôi ngờ rằng tác giả có sai sót vì bản gốc thế này....". Bạn đọc có thể tự đối chiếu để hiểu hơn.

Không chỉ trách nhiệm khi dịch, các dịch giả còn có trách nhiệm với bản dịch của mình trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Khi còn sinh thời, dịch giả Cao Xuân Hạo đã không ít lần tự tay mang bản dịch của mình gửi đến các đầu nậu in sách lậu để "họ làm cho đúng" mà không cầu được hưởng bất kỳ lợi ích nào. Bởi vì những người này khi làm sách lậu đã lấy sách cũ để in lại, do sách cũ hay mất trang, rách, mờ nên kết quả là bản in mới cũng thiếu sót theo. Dịch giả Cao Xuân Hạo từng tâm sự: "Đọc bản dịch thiếu trước hụt sau thế, bạn đọc mà trách mình thì mình cũng đành chịu, chỉ sợ họ lại chê bai tác phẩm, nghi ngờ danh tiếng của tác giả thì tội cho văn chương quá".

Trong khi đó, đời sống tốt hơn, nhu cầu hưởng thụ tăng cao, thế nhưng với mảng dịch thuật những năm gần dây người ta lại hay phải nghe đến "thảm họa" dịch ẩu, dịch sai, dịch sót. Rồi những tranh cãi bất tận giữa dịch giả với bạn đọc... tác phẩm dịch xuất sắc trở nên hiếm hoi.

Và đó cũng là nỗi buồn của sách dịch ngày nay, khi mà sách đẹp hơn, lộng lẫy hơn nhưng với những tác phẩm có bản dịch ngày trước, bạn đọc lại chấp nhận đọc sách cũ hơn là sách mới in.

Tường Vy

Từ khoá: bão trách nhiệm gia

Popular Post

Blog Archive

Được tạo bởi Blogger.

- Copyright © Tin Moi Online, Tin Tuc, Tin Moi, News, Tin Tong Hop