Posted by : Unknown 17 tháng 2, 2013

âm nhạc

ANTĐ - Nguyễn, bạn vong niên của tôi khoe đã để dành được tám trăm triệu và bắt đầu làm nhà, trong thư còn hẹn tháng bảy vào Sài Gòn họp, nhân thể đến ăn mừng tân gia.

Cứ nghĩ với số tiền ấy, ở đất ấy, giỏi lắm Nguyễn cũng chỉ có được ngôi nhà một tầng, nào ngờ đúng hẹn tháng bảy vào thăm lại đến mừng một tòa nhà nghễu nghển ba tầng cao kiểu cách tân cổ giao duyên, vừa kiên cố vừa sang trọng.

- Vì ít tiền nên tôi phải làm cái nhà to. Ông ạ.

Nguyễn nói, rồi làm sáng tỏ cái nghịch lý ấy như sau: Làm nhà to, nhiều tầng để cho thuê. Riêng tầng trệt, cho thuê ba năm, tính ra sẽ thu lại đủ tiền vốn bỏ ra xây toàn bộ tòa nhà.

(Ảnh minh họa: Lê Trí Dũng)

Tôi bị bất ngờ trước tính toán khôn ngoan của Nguyễn. Tôi cảm phục cái kiểu tư duy xông vào cái khó để giải tỏa cái khó của anh bạn trẻ. Nhưng, theo Nguyễn lên tới tầng ba, sau khi qua tầng một, tầng hai dành cho hai con lớn, tôi càng bị bất ngờ. Hóa ra, Nguyễn đâu chỉ là nhà duy lý lạnh lùng khôn khéo.

Tầng ba, nơi vợ chồng Nguyễn ở là một căn nhà ba gian, mái lợp ngói ta, kết cấu hoàn toàn theo kiều nhà nông thôn đồng bằng bắc bộ quê hương Nguyễn, với đủ cả câu đầu, dui mè, con sơn, dại tre phản gỗ, chõng tre... chép đúng nguyên mẫu. Chưa hết! Trước cửa nhà, khéo thu xếp trong không gian hẹp là hai luống húng tốt tươi, đất chuyển từ phù sa châu thổ lên. Cạnh hai luống húng có cái chuồng gà. Đúng ngọ, chú trống lông đỏ y sì chú gà trong thơ của thần đồng Trần Đăng Khoa, vừa tức khí vừa nổi cơn xuất thần hứng bất tử nghển đầu, cong cổ gáy ò ó o một khúc nhạc dài. Ò..ó...o/ Tiếng gà/ Tiếng gà/ Giục quả na/ Mở mắt/ Tròn xoe/ Giục hàng tre/ Đâm măng/ Nhọn hoắt/ Giục buồng chuối/ Thơm lừng...

- Thú chưa ông! Nguyễn nói. Mấy chục năm sống ở thành phố lớn, đêm nằm chỉ nghe thấy tiếng ô tô, xe máy, cứ cảm thấy thiếu thiếu một cái gì. Giờ mới nhận ra, đó là tiếng gà, tiếng chó...

Tiếng gà, tiếng chó! Thơ Vũ Quần Phương viết: "Đã quen tiếng chó tiếng gà/Mái gianh lạt buộc phên nhà hiên che". Tiếng gà, riêng nó đã in dấu vào trong ta thành âm nhạc, thành khúc nhạc quê bất tử rồi. Âm nhạc, có người viết, đó là hình ảnh trung thực nhất của thời gian, của cảm giác hạnh phúc huyền thoại. Âm nhạc trả cho ta cái quá khứ mà ta không biết, nói cho đúng hơn, cái quá khứ chân thực.

J. L. Borges, văn hào Argentina viết: Bất chấp thần chết và bất chấp tháng năm, những kẻ qua đời sẽ hóa thân thành khúc tăng gô.

Ma Văn Kháng

âm nhạc

Popular Post

Blog Archive

Được tạo bởi Blogger.

- Copyright © Tin Moi Online, Tin Tuc, Tin Moi, News, Tin Tong Hop