- Back to Home »
- Tây Nguyên - Dưa hấu Tết ế ẩm
thị trường gia đình gia
QĐND - Gia Lai và Kon Tum là hai địa bàn có số diện tích và số hộ trồng dưa hấu cao nhất ở Tây Nguyên, tập trung ở các huyện như: Kbang, Kông Chro, Đăk Pơ và thị xã An Khê... (tỉnh Gia Lai); Đăk Tô, Đăk Hà, thành phố Kon Tum...(tỉnh Kon Tum). Riêng ở Gia Lai diện tích dưa hấu lên đến trên 2.700ha, so với năm trước thì đây là con số phát sinh mới rất lớn và hậu quả để lại cho người trồng dưa cũng không phải là nhỏ. Thời tiết thuận lợi, dưa được mùa, những trái dưa hấu to, xanh thẫm phơi mình trong nắng trông thật đẹp mắt, nhưng buồn là giá dưa bán Tết trên thị trường ngày một xuống thấp.
Dưa hấu Tết bán dọc theo Quốc lộ 14. |
Có mặt tại huyện Kông Chro vào những ngày giáp Tết Quý Tỵ, trên các ruộng dưa hấu, chúng tôi thấy có nhiều xe tải đang tập trung bốc số dưa hấu còn lại để kịp cho những chuyến xe lên thành phố Plei-cu, hoặc đi xuống Bình Định, Quảng Ngãi và cả vận chuyển ra các tỉnh phía bắc để chia đều sản phẩm "tồn đọng". Ông Trần Bá Lợi ở Chư Krei thổ lộ: "Kông Chro là một trong những huyện trồng dưa hấu nhiều nhất khu vực phía đông tỉnh Gia Lai (hơn 600ha). Trong đó tập trung chủ yếu tại các xã như: Yang Nam, Đak Pơ, Yang Trung... Tôi đã có 7 năm liên tục trồng dưa hấu, giá cả có lúc lên, lúc xuống, nhưng chưa năm nào người trồng dưa, đặc biệt là dưa hấu bán Tết lại bị "tuột dốc" thê thảm như năm nay, giá bán đã thấp mà vẫn không có người mua. Năm trước giá bán dưa ngày Tết là từ 10.000 đến 13.000 đồng/kg, nhưng năm nay chỉ còn 2000 - 3000 đồng/kg dưa hấu bán Tết nhưng lại ít người mua.
Cùng chung nỗi buồn, ông Phạm Vinh Khánh ở Tuy Phước (Bình Định) cho chúng tôi biết thêm: "Từ đầu năm 2012, gia đình ông đã khăn gói lên vùng biên giới Đức Cơ (Gia Lai) để thuê đất trồng dưa hấu. Đầu tư 170 triệu đồng, trồng gần 2ha, trong đó có 5 sào dưa lấy hạt. Dưa năm nay được mùa, đạt 50-70 tấn/ha. Cuối vụ, bán hết trơn cũng chỉ đủ trả tiền thuê đất.
Không chỉ riêng ở Gia Lai, mà ở Kon Tum hàng trăm hộ dân trồng dưa cũng đang đối mặt với cảnh "trắng tay" vì dưa trồng quá nhiều, mà thị trường tiêu thụ đã ít lại khó. Diên Bình (Đăk Tô) một trong những địa phương trồng dưa "tự phát" lớn nhất ở Kon Tum với diện tích lên đến 150ha (hơn năm trước 100ha). Hầu hết các gia đình trồng dưa đều vay nợ ngân hàng để đầu tư, ở đây mỗi héc-ta dưa người dân phải đầu tư từ 130 đến 150 triệu đồng, gồm tiền phân bón, bơm nước, thuê nhân công... Chị Hoàng Thị Loan cho biết: "Ba năm trở lại đây cây dưa hấu không chỉ được coi là cây "xóa đói, giảm nghèo", mà nhiều gia đình giàu lên, xây nhà, mua xe gắn máy... cũng nhờ dưa hấu. Vụ dưa năm nay gia đình chị lỗ trên 100 triệu đồng.
Nguyện vọng duy nhất lúc này của những người trồng dưa ở Tây Nguyên là Nhà nước tiếp tục cho vay tiền để đầu tư sản xuất. Bài học dưa rớt giá, là bài học không mới về quy hoạch sản xuất. Không thể để mãi tình trạng người dân tự mò mẫm, "tự bơi" trong cơ chế thị trường đầy biến động. Đề nghị các cơ quan chức năng địa phương cần định hướng cho bà con sản xuất, nhất là việc trồng dưa thời vụ; phối hợp với các công ty xuất nhập khẩu, các nhà phân phối sản phẩm để tìm thị trường ổn định cho nông dân, đặc biệt là trong dịp Tết.
Bài và ảnh: LÊ QUANG HỒI
gia đình thị trường gia
Đăng nhận xét