- Back to Home »
- Tên em là dã quỳ
tình yêu phát triển người dân
Khi trời chớm vào xuân cũng là dịp dã quỳ đua nhau nở rộ trên các ngả đường Tây Nguyên. Mộc mạc, thanh khiết và rực rỡ như tâm hồn người dân phố núi. Loại hoa cùng họ với hoa cúc này là một trong những loại hoa đặc trưng của xứ sở ngàn hoa Đà Lạt. Không chỉ tô sắc cho trời đất, dã quỳ này còn có những tác dụng vô cùng thiết thực trong cuộc sống xứ sở cà phê.
Cây dã quỳ được người Pháp đưa vào trồng ở Lâm Đồng hơn nửa thế kỷ trước. Tận dụng sự giàu chất hữu cơ trong thân và lá cây, cây dã quỳ được đem bón cho cà phê và cao su. Hai loại cây công nghiệp này đều phát triển tốt, năng suất cao khi được ủ thân và lá dã quỳ. Hiện nay, người dân Tây Nguyên vẫn áp dụng rộng rãi cách này chăm sóc cho vườn cây của mình. Một công dụng khác của dã quỳ là làm thuốc. Thuở nhỏ, trẻ con trong xóm tôi thường bị ghẻ lở, chỉ cần nấu một nồi nước lá dã quỳ đậm đặc rồi tắm là mụn ngứa lặn mất. Trong Đông y, dã quỳ là một loại thuốc khi điều chế đúng công thức sẽ chữa trị được nhiều loài bệnh. Tuổi thơ của chúng tôi cũng gắn liền với loại cây đặc trưng này.
Lũ trẻ chúng tôi thường ngắt hoa dã quỳ bày trò chơi. Phổ biến nhất là làm xe đẩy. Hoa dã quỳ có cánh mỏng nhưng đài và nhụy liên kết với nhau rất chặt. Chúng tôi thường hái hoa làm bánh xe. Lấy một đoạn cây nhỏ làm trục xiên hai hoa với nhau là có một cặp bánh xe. Bẻ một đoạn cây dã quỳ có chạng ba kẹp vào giữ trục rồi đẩy. Mỗi đứa một chiếc như thế chạy đua nhau trên đường làng, xe nào súc bánh trước coi như thua. Hoa dã quỳ trông giống hoa cúc và hoa hướng dương. Hoa có mùi đặc trưng, không thơm ngào ngạt nhưng phảng phất chút hương núi rừng khiến ai ngửi thấy cũng khó quên được.
Tuổi thơ của trẻ em phố núi gắn liền với cây dã quỳ
Dã quỳ dễ sống và phát triển rất nhanh. Loại cây này trồng bằng cành nên chỉ cần một đoạn thân cây rơi xuống đất, từng chồi non sẽ mọc lên khắp thân và lớn rất nhanh. Từng khóm liên kết với nhau rồi tạo thành từng dãy lớn cao và vững chắc. Do đó, người dân Tây Nguyên thường trồng dã quỳ dọc theo mép vườn để làm hàng rào. Sức sống mãnh liệt và sự gắn bó trong kiểu phát triển của loại cây này gắn liền với một sự tích tình yêu thủy chung son sắt.
Ngày xửa ngày xưa, ở một buôn làng nhỏ nằm khuất xa trong vùng núi Tây Nguyên hùng vĩ có chàng K'Lang và nàng H'Limh yêu nhau tha thiết. Hai bên chỉ còn chờ H'Limh dệt xong tấm chăn cầu hôn là mổ trâu thành vợ chồng (theo tục lệ của bộ tộc, con gái trước khi lấy chồng phải dệt một tấm chăn thật đẹp để mang về nhà chồng). Ở bộ tộc Lasiêng cận kề có chàng La rihn con trai tộc trưởng Lasiêng cũng yêu đơn phương nàng H'Limh say đắm. Một ngày kia, K'Lang đi săn, nhưng mãi không thấy quay về. H'Limh lo lắng băng rừng đi tìm chàng. Nàng cứ đi, đi mãi, vượt qua biết bao dòng suối, ngọn đồi, con núi mà vẫn không thấy K'Lang. Mệt quá, nàng thiếp đi bên tảng đá. Chợt nàng nghe thấy giọng K'Lang trong giấc mơ, chàng bảo nàng hãy đi đến con suối tiếp theo thì gặp chàng. H'Limh choàng tỉnh và đạp gai rừng băng đi. Đến con suối tiếp theo, nàng hoảng hồn khi thấy chàng K'Lang đang bị những tên hung ác của bộ tộc Lasiêng trói chặt và đánh đập. Mặc cho những mũi tên, những ngọn giáo đâm vào người ngăn cản, nàng vẫn lao tới ôm chặt chàng K'Lang che chở đòn roi cho chàng. Đứng từ trên cao, La rihn ghen tức với K'Lang nên buông một mũi tên độc nhắm vào chàng. Không ngờ, H'Limh vẫn ôm chặt lấy K'Lang để đón mũi tên độc cho chàng. Nàng gục xuống. Tại nơi nàng chết mọc lên một loại hoa vàng rực, thân cây mong manh nhưng rễ cây gắn bó thắt chặt với nhau thành từng cụm. Người ta gọi đó là cây dã quỳ. Người dân Tây Nguyên lấy loại cây này làm biểu tượng cho sự thủy chung, sự hy sinh cao cả trong tình yêu. Cao đẹp như chính tình yêu của nàng H'Limh dành cho chàng K'Lang.
Không chỉ thiết thực trong đời sống thực, dã quỳ còn chứa đựng ý nghĩa cao đẹp trong đời sống tâm hồn. Chính vì vậy, người Tây Nguyên ví dã quỳ như linh hồn của núi rừng Tây Nguyên.
phát triển tình yêu người dân
Đăng nhận xét