Posted by : Unknown 8 tháng 3, 2013

thế giới du lịch mông khoa học thiên nhiên người dân thông điệp thông tin khách du lịch nghiên cứu gia kinh tế thị trường nghệ thuật việt nam nha khoa văn hoá phong phú

Lời hồn đáBãi đá cổ Sa Pa.

Hồn đá! Chính hồn đá níu kéo tôi trở về với đá, với quê núi hùng vĩ và phóng khoáng của mình.

Tuổi thiếu niên, tôi cũng như mọi đứa trẻ người dân tộc vùng cao nào đâu có biết đói khát, rách rưới, thất học là gì, ngày ngày lại hồn nhiên, vô tư chơi đùa trên những tảng đá. Nào là từ trên mỏm cao trượt xuống bằng những bó rơm, bằng bẹ chuối làm con xe, nào là thi nhau chạm khắc, vẽ vời những hình thù tùy theo ý thích. Chúng tôi đâu có khác gì những con dê đặc biệt thích thú trèo lên những mỏm đá, càng nghễu nghện trên cao càng hãnh diện để ngắm nhìn đất trời, non ngàn trong nắng vàng sánh mật.

Tôi cùng chúng bạn lấy bùn đất bôi lên những rãnh khắc trên đá. Càng bôi, càng thấy hiện lên những hình thù kỳ lạ.

"Sản phẩm trò chơi sáng trí" của chúng tôi chỉ có thể dùng đất nhão hay cù đá có nhiều cạnh sắc gạch nguệch ngoạc, thậm chí có đứa thủ vài mẩu phấn sau buổi học, mà những hình gạch, vẽ của bọn trẻ chúng tôi chỉ có thể là bắt chước mô hình con đường có cái ô tô, mô tả vài mảnh ruộng bậc thang, thậm chí là mô hình cái máy bay theo trí tưởng tượng non nớt, hoặc mô tả anh chàng nào đó đang đứng đái tồ tồ. Còn những hình mà chúng tôi bôi đất theo vết khắc sẵn thật lạ. Nhưng chúng tôi chẳng thèm để ý, chẳng thèm nghĩ ngợi.

Trước mắt tôi, những hình khắc cổ hiện lên vô vàn.

Thế rồi tôi nghe đâu đây giữa thinh không đất trời vần vũ nhiều tiếng nói vang âm.

- Những hình khắc trên đá kia chỉ là trò chơi của người thế hệ trước thôi!

- Đó là chữ viết của người trời, thuở xa xưa họ đã đến quan ngưỡng trái đất, và họ đã đặt chân tại những nơi này!

- Đó là ký hiệu chữ viết của người xưa.

- Đó là tiếng nói của người xưa, báo rằng họ đã có mặt khai thiên lập địa nên mảnh đất này! Những hình khắc chính là cuốn Kinh Dịch mở!

- Con người sinh ra từ đá rồi lại trở về với đá...!

Sải bước tới nhiều vùng quê trên Tổ quốc Việt Hùng thân yêu, và lùa chân tới nhiều đất nước trên thế giới với biết bao điều mới lạ, khi đã luống tuổi, tôi vội vã trở về, như câu ngạn ngữ "Cáo chết 3 năm quay đầu về núi", như câu sấm truyền "Con người sinh ra từ đá rồi lại trở về với đá".

Những năm tháng qua tôi không phải quá vô tâm quên đi vùng núi non trập trùng hiểm trở, nhưng vì tôi chưa đủ tâm trí, khả năng nhận biết những gì quý giá còn đang cất giấu trên mảnh đất hùng vĩ thân yêu của mình. Và bây giờ, mới loáng thoáng nhận ra: Tất thảy non ngàn nước biếc, những tảng đá, những quần thể đá, những tràn ruộng bậc thang, những mảnh nương, những cây cổ thụ xum xuê che mát một khoảng trời, con suối mát lành... đều có hồn thiêng của chúng. Chẳng thế mà từ xa xưa con người sống trên mảnh đất này vốn đã sinh ra tục lệ cúng rừng, cúng ruộng, cúng mẹ đá, cúng hồn cây cổ thụ.

Hồn đá! Chính hồn đá níu kéo tôi trở về với đá, với quê núi hùng vĩ và phóng khoáng của mình.

Tôi trở về. Không! Tôi không đi đâu cả! Tôi vẫn ở đây, vẫn cắm sâu đôi chân xuống miền quê kham khổ, nghèo khó, đá to đá nhỏ chềnh ềnh nhiều hơn đất. Kham khổ đấy, nghèo khó đấy nhưng lại chan chứa trong đó tình yêu máu thịt, vô cùng thắm thiết!

Và giờ đây người ta đã nhận thức về đá đúng với giá trị của chúng!

Đá đi vào nền công nghiệp du lịch văn hóa, tham quan, vãn cảnh!

Đá đi vào kho sách văn học, địa lý, khảo cổ, lịch sử. Đá không còn vô tri vô giác mà đã được tôn kính cùng với vạn vật hữu linh.

Đá đã được người cổ xưa, hay người Thần, người Trời thổi hồn vào đó.

Người xưa đã cất công sáng tạo ra một loại sản phẩm trí tuệ vừa cực kỳ thông thái, vừa cực kỳ bí hiểm cứ trơ trơ giữa đất trời thành những câu đố vô cùng hóc búa cho muôn thế hệ sau lý giải, chứ không phải quý ở những hạt vàng nhỏ li ti hay những hạt đá quý lấp lánh rải rác khắp nơi trong lòng đất, bên bờ suối. Đầu tiên, đó là nhận thức về Con Người và Trí Tuệ của Con Người, vì vậy, họ để lại những hình khắc huyễn hoặc nhưng lại tác động đặc biệt vào trí não Con Người tạo nên sinh khí vĩnh cửu có đặc tính trường tồn muôn thuở, để nếu ai cố tình giải đố thì sẽ tự phát triển về trí tuệ, tự khôn ra theo tiến trình tiến hóa của lịch sử, chứ Con Người không còn ngu muội như con vật vĩnh viễn bị ngắt khả năng tiến hóa nữa.

Vậy, họ là ai? Cũng xin trả lời ngay: Họ là người Trời, người Thần! Dù họ sinh ra từ hành tinh trong những giải ngân hà nào tới thăm thú, vãn cảnh và để lại những bức thông điệp, hay dù họ sinh ra trên hành tinh trái đất này với phận sự là tổ tiên của chúng ta, báo cho chúng ta những điều tốt lành, thì có thế nào chăng nữa, thời thượng cổ, họ đã từng là chủ nhân của những trí tuệ trác việt, siêu phàm, bởi lẽ cho đến tận bây giờ chúng ta vẫn chưa thể giải mã được cho chính xác những thông điệp đó nói lên điều gì cụ thể, nhưng chúng, những hình khắc trên đá luôn có sức thu hút con người sống ở thời đại khoa học tiên tiến.

Mỗi một biến cố trong cuộc đời hay trong thời gian lịch sử ngắn ngủi cũng đã làm cho con người đổi khác, thì huống chi là sự biến thiên của vũ trô mông lung mà bài ca "Răn đường" của người Hmông cùng giọng xướng ê a não nề của zở mổ (Ông thầy đọc bài khai tang trong lễ tang) khai tang chỉ lối cho tử nhân con đường trở lại với tiên tổ, với "vũ trụ u mờ lạnh ngắt" cũng chỉ nói lên phần nào con đường gian nan luân hồi trở về với cõi xa xưa. Vậy nên có thể, khoảng thời gian nào đó, sức mạnh của Thần thiên nhiên khổng lồ không tưởng tượng nổi đã nổi cơn thịnh nộ làm tan chảy xóa nhòa đi nền văn minh rực rỡ mà Người Trời đã cất công xây dựng, chỉ còn sót lại một số người nào đó thoi thóp cố tồn tại và tiến hóa dần cho tới ngày nay chăng?

Ngạc nhiên đến sững sờ khi biết rằng cùng với những di chỉ Tháp Chàm sừng sững ở phía Nam đất Việt, những hang mồ cổ táng trong vách đá rừng già âm u ở Thanh Hóa, thì phía Bắc Việt Nam lại có tới 4 trung tâm bãi đá khắc cổ, ở xã Nấm Dẩn, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang, thung lũng Mường Hoa thuộc huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải, nay thuộc tỉnh Yên Bái, và ở Pá Màng, xã Liệp Tè, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La.

Trong số trung tâm đó, bãi đá khắc cổ thung lũng Mường Hoa được thông tin khá phong phú trên các phương tiện nghe, nhìn và đọc. Với bãi đá khắc cổ Pá Màng do nằm ngay mép nước sông Đà, gần đây công trình thủy điện đã dâng ngập nên các nhà khoa học, chính quyền đã kịp huy động lực lượng, đơn vị di chuyển một số tảng về khu trưng bày di sản vùng lòng hồ. Còn Nấm Dẩn và Lao Chải thì còn quá ít thông tin.

Ở Pá Màng, người dân địa phương cho rằng Người Trời xuống tắm, trong lúc nghỉ ngơi đã vẽ vào đá đem lại phúc lành cho cư dân nơi đây, chả thế mà trong vực xoáy của con sông Đà có rất nhiều cá chiên to, thịt vàng đuộm và béo ngậy. Trước đây do đường sá xa xôi cách trở nên cán bộ, nhà khoa học ít tới. Theo truyền miệng, biết rằng Pá Màng có tới 40 hòn đá có hình khắc, nhưng khi các nhà khảo cổ đến thám sát vào năm 1977 thì chỉ còn 18 hòn, hiện thời chỉ còn 5 hòn. Số mất mát có thể do dòng sông cuốn vào chỗ sâu hoặc do con người đập phá.

Mô típ những hình khắc phần nhiều là điêu khắc cách điệu nghệ thuật gồm chim muông, con thú, cảnh vật, bông hoa, phụ nữ và có những hình phảng phất nét chữ Thái thượng cổ, còn đường nét khắc chủ yếu hình tròn lõm vào. Sự khác biệt của hình khắc Pá Màng với mô típ bãi đá khắc cổ Mường Hoa, Lao Chải và Nấm Dẩn cho thấy các họa sĩ Người Trời tới đây mang theo vốn kỹ năng nghệ thuật và niềm cảm hứng sáng tạo khác hẳn với 3 vùng nọ mà những nghệ sĩ ấy không thể áp đặt với bất cứ một tộc người nào đang có mặt hiện nay, vì thời đó, được xác định niên đại cách ngày nay có tới 5 nghìn đến 7 nghìn năm.

Lao Chải dịch nghĩa ra tiếng Kinh là làng cổ, làng trung tâm. Mù Cang Chải nguyên tiếng Mông gọi là Xáo Mông, sau này ghi địa danh theo tiếng Hán - Việt, mới gọi là Mù Cang Chải, tức làng cây rừng chết khô. Những tảng đá có hình khắc này là tiếng nói của người xưa, rằng chúng tôi đã có mặt ở vùng đất này. Đây là vùng đất trù phú.

Các thế hệ hậu sinh hãy khai phá mà làm ăn sinh sống nhưng phải nhớ luôn luôn cúng Trời, Thần Rừng, Thần Thổ địa và Thần Rồng, hơi thở của các vị thần vẫn luôn phảng phất sẵn sàng phù hộ cho con người biết ứng xử với Mẹ Thiên nhiên vĩ đại. Hãy sát cánh bên nhau cùng làm ăn làm mặc. Tục lệ cúng các Thần thiên nhiên hoang dã và các Thần lành hiền trụ trì nếp nhà, Thần hộ mệnh cho cả làng, cho mỗi con người dù xã hội loài người có thể đổi thay biến dạng thế nào chăng nữa thì những con người nơi đây cũng không bao giờ quên!

Ở bãi đá khắc cổ Nấm Dẩn, huyện Xín Mần, tảng đá có hình khắc to nhất trong quần thể đá được người dân quan niệm là hòn đá Mẹ. Từ lâu đời người dân địa phương vẫn lưu truyền tục lệ cúng đá Mẹ hàng năm trước khi bước vào mùa vụ để hồn đá phù hộ cho dân làng sức khỏe, ăn nên làm ra, chăn nuôi phát đạt!

Như nói trên, mô típ hình khắc Nấm Dẩn khá tương đồng với vô vàn hình khắc ở bãi đá thung lũng Mường Hoa, cũng hình hoa văn sinh hoạt, ruộng vườn, làng xóm và phồn thực nhưng diện tích không lớn cho nên ít được lưu truyền.

Song cho dù vậy, là của gia bảo nên người dân nơi đây đã sớm có ý thức bảo vệ, giữ gìn làm cho khách du lịch, tham quan cũng phải kiềng nể.

Trở lại với bãi đá khắc cổ thung lũng Mường Hoa, sở dĩ nổi tiếng cả thế giới là vì có nhiều nhà khoa học trên thế giới đã đến nghiên cứu cùng sự phong phú của những đường nét hoa văn. Quần thể di chỉ này nằm trên một diện rộng bên sườn núi Can Thàng, gồm 216 tảng, hòn, kể cả 18 tảng, hòn bị nổ mìn thành cát bụi để mở đường đã được một vị Tiến sĩ khoa học về địa chất - địa mạo nghiên cứu. Ông viết về đặc điểm địa mạo: "Khối núi hòa tan rửa lũa cấu tạo bởi đá vôi đô-lô-mít ở độ cao 1.000 - 1.500 mét.

Dãy núi bốc mòn xâm thực cấu tạo bởi đá trầm tích Đề-vôn..." Năm 1925, giáo sư người Pháp gốc Nga Victor Golubew tới nghiên cứu. Ông viết: "Những hoa văn lạ, đẹp và nhiều hình dạng: Bậc thang, hình người, con đường, chữ viết... và nhiều hình khắc bí ẩn khác. Đặc biệt và khó lý giải nhất là có hình người tỏa ra các vầng hào quang xung quanh". Tiếp đến là một nhóm nhà khoa học do chuyên gia hàng đầu Viện Viễn đông bác cổ P.le Failler và các cộng sự Việt Nam tới nghiên cứu. Sau 7 tháng làm việc, nhóm nhà khoa học đã đã dập được tất cả các hình khắc với 3.000 bản. Ông viết vắn tắt: "Công việc nghiên cứu cho những kết luận ban đầu, có thể là một bản đồ, một bài cúng".

Ông dự định sẽ tới di chỉ Xín Mần và Pá Màng nhưng không thấy có ghi chép. Không biết ông có thực hiện được ý định đó không. Những năm gần đây, được biết các nhà khoa học người Nhật cũng đến, và Việt Nam thì khá nhiều nhà khoa học đã đến theo tiếng gọi của hồn đá - một khối gia sản quý báu của nước nhà, gần đây được ấn loát khá công phu thành cuốn sách mang tên "Bãi đá cổ Sa Pa dưới con mắt nhìn tạo hình" do Trường đại học Mỹ thuật Hà Nội và Viện Mỹ thuật biên soạn, song chưa có lời giải mã nào thỏa đáng.

Không làm khoa học, nên tôi chỉ xin có vài lời cùng luận bàn. Như đã nói trên, chủ nhân của những hình khắc này có mặt cách chúng ta rất lâu rồi, từ thời thượng cổ, nên lối sống, lối nghĩ, phong cách sáng tạo của họ hoàn toàn khác chúng ta ngày nay, biết đâu trong đầu chúng ta lại thô thiển, thực dụng hơn người xưa. Do đó chúng ta không thể dùng cái đầu thời hiện đại để nghĩ, mà phải nghĩ theo người thượng cổ, tức là phải theo quan triết và tâm thức của cổ nhân, may ra có thể nhìn thấy điều gì đó.

Có học giả cho rằng nhóm tộc Mông - Dao và Tày - Thái có mặt ở vùng đất này từ 400 đến 900 năm trước, có thể đó là một cứ liệu? Nhưng không phải thế. Khu trú của nhóm tộc Mông - Dao là một vùng rộng lớn nhưng vốn phân tán rải rác, chứ không co cụm thành làng xóm như nhóm tộc Tày - Thái và cả Giáy. Có thể họ cư trú ở đây sớm hơn. Hãy mở rộng thêm giả thuyết, rằng thời xa xưa vấn đề dân tộc chưa phân định rạch ròi mà là Khu tộc, mỗi Khu tộc sinh sống biệt lập trong một vùng, nếu chẳng may chạm trán nhau, tất xảy ra ẩu đả để tìm hiểu nhau hoặc thôn tính nhau, dần dần mới phân chia ra dân tộc, đó có thể là thời kỳ xuất hiện những bãi đá khắc cổ, vừa là thông điệp văn hóa, vừa là dấu tích lãnh địa.

Trong tình thế lịch sử nào đó buộc họ phải ghi khắc lại thông điệp nhắn gửi cho mai sau, và chỉ chất liệu đá khá bền vững được họ chọn lựa. Một công trường hiện diện hối hả, mải miết cùng xúc tiến trong một thời gian nào đó, và người tỏa ánh hào quang, đó là thủ lĩnh, một thầy cúng, thày mo cao tay am tường thiên văn, địa lý, tiếp cận được với thần linh, ma quỷ nhìn thấy mối nguy cơ hiểm họa nào đó. Cùng thời, ở Pá Màng, Lao Chải và Nấm Dẩn có thủ lĩnh là thày mo thày cúng cũng nhận biết hiểm họa tuy họ ở cách xa nhau, không thể thông tin được cho nhau. Về tính nghệ thuật của những hình khắc?

Tôi cho rằng dù hình khắc thế nào chăng nữa thì cũng đều mang dấu ấn tín ngưỡng nhưng chỉ thung lũng Mường Hoa là phong phú hơn cả do lực lượng nghệ nhân được huy động đông đúc hơn, các nghệ nhân được thủ lĩnh thu phục nhân tâm nên hợp cùng một chí hướng, và sau khi đã hoàn thành những bức khắc chính, mỗi tác giả có thể tùy hứng khắc những hình họa theo trí sáng tạo riêng, vì thế mà có hình phồn thực, hình bông hoa, ruộng đồng, làng xóm, chim muông...

Tất thảy làng xóm, ruộng bậc thang, hình người phụ nữ, con thú, chim chóc, hoa... đều mang tính tín ngưỡng cao thống nhất một tư tưởng chủ đạo. Tôi dễ chấp nhận quan điểm những hình khắc là dấu ấn bộ tổng tập bách khoa Kinh Dịch được biểu thị bằng nhiều chữ Khoa Đẩu và những hình hoa văn kỳ dị vì đó là tác phẩm của nhà thông thái - nhà tiên tri tỏa ánh hào quang có thể do Chừ Nhông - Nzưl Nhôngs - nhà thông thái đầy quyền uy (tiếng Mông) tự khắc hoặc trực tiếp chỉ đạo riêng một đội quân trung tín khắc ghi.

Còn nữa, phía núi Hoàng Liên cao chừng 2 ngàn mét, cách quần thể đá khắc thung lũng Mường Hoa gần một ngày đường leo núi còn có một quần thể đá có hình khắc nữa. Quần thể này chỉ mình ông Trần Ngọc Lâm, được mệnh danh là "Người rừng" biết rõ.

Những tháng năm bươn chải làm ăn kiếm sống khốn khó, ông Trần Ngọc Lâm mắc bệnh ung thư. May sao gặp được các thiền sư Tây Tạng cho thuốc và chỉ thuốc cho. Không phải ông trốn đời nơi đô thị ồn ã, mà là lên núi để chữa bệnh. Một thời gian dài sống cô độc giữa rừng già Hoàng Liên quanh năm lạnh giá, bệnh tình của ông tan biến. Thời gian chữa bệnh, ông phát hiện nhiều rừng gỗ quý cùng với nhiều thuốc chữa bách bệnh. Nhưng quý hơn, ông cũng phát hiện thêm một quần thể đá có những hình khắc kỳ dị, huyền bí. Ông là người nắm giữ nhiều bí mật.

Lo sợ rằng nếu ai đó biết, họ sẽ phao tin, rồi du khách tò mò tới giẫm nát, hủy hoại quần thể đá này, nên ông im lặng. Nhưng rồi không thể nấn ná khi lâm tặc tấn công ồ ạt vào bãi đá. Ông lên tiếng. Quần thể đá có hình khắc phát lộ ra dưới làn rêu, hiển hiện lên dưới những vết chân trâu, dưới sự chà xát của những súc gỗ do trâu kéo qua. Bãi đá thung lũng Mường Hoa đã rên xiết khi khách du lịch nườm nượp tới chiêm ngưỡng, trong số đó không ít kẻ vô học đã tàn phá những hình khắc một cách vô ý hoặc cố ý, thì số phận của quần thể đá khắc trên núi Hoàng Liên sớm muộn cũng sẽ là vậy.

Cuộc mưu sinh của con người thời kinh tế thị trường, thời phải tiến nhanh vươn lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang xóa đi không thương tiếc những di vật, di chỉ cổ. Xin mượn câu nói của tiền nhân để kết thúc: "Văn hóa với bản sắc đặc trưng là tấm căn cước của mỗi một dân tộc, mỗi một quốc gia!". Và người Mông cũng có câu, đại ý: "Đất không thể nặn thành bánh; người Mông không thể biến hóa thành kẻ khách tộc".

khoa học thông tin mông thiên nhiên kinh tế thị trường gia phong phú khách du lịch nghiên cứu người dân thế giới nha khoa việt nam nghệ thuật thông điệp văn hoá du lịch

Popular Post

Blog Archive

Được tạo bởi Blogger.

- Copyright © Tin Moi Online, Tin Tuc, Tin Moi, News, Tin Tong Hop