- Back to Home »
- Tôi không thích được... "bố thí" khi sinh toàn con gái
gia đình chính sách tầm quan trọng người cao tuổi thông tin nhà nước chế độ bảo hiểm gia
Dân Việt - Tôi là bà mẹ sinh hai con gái. Tuy nhiên, tôi rất phẫn nộ nếu phải "ngửa tay" nhận tiền "bố thí" của đề án Hỗ trợ gia đình sinh con một bề là gái đang được chờ Thủ tướng phê duyệt.
Tôi năm nay 32 tuổi, làm cán bộ văn phòng ở Hà Nội. Tôi lấy chồng cùng quê và sinh được hai cô con gái 3 và 7 tuổi. Chồng tôi là con độc đinh, lại là trưởng họ, quê ở tận Nghệ An. Tôi khổ sở vì bố mẹ chồng lúc nào cũng thúc giục tôi sinh thêm con trai để nối dõi tông đường.
Không phải bà mẹ sinh con một bề là gái nào cũng vui khi nhận hỗ trợ (ảnh minh họa) |
Chồng tôi không có ý kiến gì nhiều, chỉ nói "tùy em", cũng không kiên quyết phản đối ý kiến của cha mẹ. Vì thế, tôi như đứng giữa ngã ba đường, hoang mang, lo lắng. Sức khỏe của tôi không tốt, công việc cũng rất bận rộn, nếu tôi sinh thêm thì sẽ đánh mất cơ hội thăng tiến, chưa kể đến cơ quan cũng sẽ có ý kiến xì xào, phản đối.
Trên hết, tôi cũng là phụ nữ, tôi không thích tự mình lại "coi thường" các con gái của tôi với tư tưởng "sinh con gái coi như chưa có con" hoặc "con gái là con người ta" mà bố mẹ chồng tôi vẫn giảng giải hàng ngày với tôi. Nếu tôi cố sinh con trai chẳng phải là phủ nhận sự hiện diện của các con gái của tôi. Khi các cháu lớn lên, hiểu vấn đề, chắc chắn các cháu sẽ trạnh lòng, sẽ oán giận vì bố mẹ đã không nâng niu, yêu thương mình.
Nhiều ý kiến cho rằng đề án hỗ trợ gia đình sinh con gái một bề là một chính sách nhân văn, nhưng nhiều người cũng cho rằng, điều này sẽ khoét sâu khoảng cách giới, làm thiệt thòi cho các gia đình "vô tình" sinh toàn con trai, hoặc khiến các gia đình sinh toàn con gái "tủi thân" hơn.
Vậy ý kiến của bạn thế nào về đề án trên?
Xin mời bạn đọc cùng đóng góp, chia sẻ những câu chuyện cũng như quan điểm, đề xuất của mình về đề án hỗ trợ cho các gia đình sinh con một bề là gái.
Mọi bài viết, đóng góp ý kiến xin gửi về hộp thư: baodanviet@gmail.com hoặc địa chỉ: Báo Điện tử Dân Việt, 103 Quán Thánh Hà Nội.
Những ý kiến đăng trên Dân Việt sẽ được trả nhuận bút.
Điều tôi cảm thấy khó chịu nhất là khi về quê, rất nhiều người họ hàng gọi tôi ra một góc rồi "thủ thỉ" một cách hết sức "tình cảm": "Chồng mày làm con trưởng. Nếu không cố sinh được thằng con trai nối dõi, cẩn thận nó lại lén lút đi "gửi" chỗ khác, lại mất chồng như chơi".
Tôi cảm thấy rất nực cười. Tại sao họ cứ núp bóng sự quan tâm để tuyên truyền nhiều điều phi lý như vậy. Tôi đang rất cố gắng để chống chọi với dư luận, với bố mẹ chồng và với sự "ba phải" của chồng tôi, nhất định không chịu sinh thêm.
Mới đây, báo Dân Việt đã đưa rất nhiều thông tin về việc Nhà nước đang có Đề án hỗ trợ gia đình sinh toàn con gái. Theo đó, những gia đình sinh con một bề là gái theo đúng chính sách gia đình có từ 1-2 con, sẽ được hỗ trợ bằng tiền mặt, đứa trẻ gái của gia đình sinh con một bề khi lớn sẽ được ưu tiên về chế độ bảo hiểm y tế, học phí, khi lớn hơn có thể được tạo điều kiện trong học tập, đào tạo nghề, việc làm và vay vốn làm kinh tế. Ngoài ra, những người cao tuổi sinh con gái một bề cũng sẽ được hưởng chế độ an sinh xã hội ưu tiên hơn...
Một lần nữa tôi lại cảm thấy phẫn nộ. Vì đây là chính sách đang khoét sâu thêm sự bất bình đẳng giới, khiến cho người ta lại kỳ thị thêm những đứa con gái của tôi. Sẽ thế nào nếu các cháu đi học, đi làm đều bị mang tiếng được "ưu tiên" vì "nhà toàn con vịt". Như vậy, người ta sẽ bỏ qua năng lực thực sự của các cháu, luôn coi thường các cháu vì thuộc diện "ưu tiên, ưu ái". Tôi có đủ sức nuôi các con, không cần phải nhận thêm chút tiền "bố thí" như vậy.
Từ khi có các thông tin về việc hỗ trợ gia đình sinh con gái một bề, tôi thường nhận được những lời bông đùa, có phần diễu cợt của bạn bè, đồng nghiệp, họ hàng. Họ thường cười cợt: "Sướng nhé, cả gia đình đi đâu cũng được ưu tiên" hay "Từ nay được nhờ con gái rồi nhé" hoặc "Có cái để tự hào với chồng rồi nhé", "Có nhà nước động viên, yên tâm không lo chồng đi gửi nữa nhé"... Cứ như nếu không có chính sách ấy, tôi và các con gái chẳng có tí giá trị nào với nhà chồng, với chồng.
Cuộc sống của tôi luôn có sóng ngầm, tôi luôn phải chống chọi với áp lực từ nhà chồng. Nhưng từ khi có thông tin sắp chính sách hỗ trợ gia đình sinh con một bề là gái, sóng gió của cuộc đời tôi nổi lên thành bão. Mẹ chồng tôi điện thoại tới tấp ra thúc giục tôi chuẩn bị sinh con, bà bày đủ các cách "thiên la địa võng", theo thuốc thầy lang nọ, kinh nghiệm đẻ con trai của bà chị kia cho tôi nghe, đề nghị tôi áp dụng.
Bà con đe tháng sau sẽ lên Hà Nội để "áp" tôi đẻ bằng được. Bà đe: "Đừng tưởng có Nhà nước hỗ trợ đã yên tâm. Điều đó chứng tỏ tầm quan trọng của con trai. Hỗ trợ con gái là nhằm "xoa dịu" dư luận mà thôi". Mẹ chồng tôi bỗng nhiên lại nói một câu... có lý.
Vì thế, tôi không thích nhận bố thí, ưu tiên vì tôi chỉ sinh được con gái.
Trần Thu Ngọc (Ba Đình, Hà Nội)
thông tin gia chính sách nhà nước gia đình người cao tuổi chế độ bảo hiểm tầm quan trọng
Đăng nhận xét