- Back to Home »
- Vấn nạn tín dụng đen đến bao giờ?
(DĐDN) - Theo số liệu thống kê của Tổng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, mỗi năm không dưới 1.500 vụ vỡ tín dụng đen, tức một ngày có hơn 4 vụ xảy ra. Việc cho vay với lãi suất cao không có sự đảm bảo của pháp luật đã dẫn đến các băng nhóm tự ý giải quyết, xiết nợ, đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật...dẫn đến hệ lụy khôn lường.
"Siêu lừa" Bùi Thị Thu Hằng tại phiên tòa sơ thẩm
Mê hồn trận... và lòng tham
Không phải đến bây giờ "tín dụng đen" mới đến mức báo động, danh sách vỡ nợ, vỡ hụi ngày càng dài thêm. Điều đáng nói ở đây, tín dụng đen không chỉ xảy ra với những người dân ở thôn quê, vùng sâu, vùng xa...thiếu thông tin, thiếu hiểu biết mà còn gây hậu quả với những người dân ở các thành phố lớn như Hà Nội, Tp.HCM, Quảng Ninh, Lạng Sơn... . Nhiều người vẫn lao vào "mê hồn trận" này để rồi vỡ nợ lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Đối tượng của "tín dụng đen" không chừa một ai, bất cứ ai có nhu cầu về vốn từ nhỏ đến lớn đều dễ dính vào guồng quay này. Nhỏ như những chị buôn bán rau ngoài chợ khi cần chút vốn còm thì sẽ được thỏa mãn ngay với điều kiện lãi suất từ 6-9% tháng, trường hợp vay "nóng", mức lãi vay có thể lên tới 12%-25%/tháng. Và lớn hơn là các doanh nghiệp có nhu cầu vốn để đầu tư, đảo nợ, đầu tư bất động sản, chơi chứng khoán,...
Con số từ cơ quan chức năng cho thấy: Chỉ trong vòng 2 năm gần đây đã có hơn 4.300 vụ việc liên quan đến "tín dụng đen" được xử lý, trong đó có gần 2.000 vụ liên quan đến lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Trong số này, chỉ tính riêng hơn 100 vụ lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản liên quan đến huy động vốn, số tiền thiệt hại đã lên đến gần 4.500 tỷ đồng. Đơn cử vụ án "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" của khách hàng mua bảo hiểm lớn nhất miền Bắc với 60 bị hại với số tiến lên tới trên 230 tỷ đồng đã được Toà án nhân dân tỉnh Quảng Ninh mở phiên xét xử sơ thẩm vào sáng ngày 7/10/2013. Kẻ lừa đảo là Bùi Thị Thu Hằng, sinh năm 1984, núp bóng danh nghĩa Đại lý của hãng bảo hiểm danh tiếng Prudential.
Tháng 8/2009, Bùi Thị Thu Hằng ký hợp đồng đại lý với Công ty BHNT Prudential Việt Nam. Được ít lâu thì Hằng "tự phong" là Trưởng phòng Kinh doanh, rồi Giám đốc Văn phòng phát triển kinh doanh khu vực Quảng Ninh.Thủ đoạn của Hằng là thấy một số người tham gia bảo hiểm nhân thọ (BHNT) phàn nàn về thời gian đóng phí quá dài và có nguyện vọng mua loại bảo hiểm có thời gian ngắn hơn, chóng thu hồi vốn nên nảy ra ý đồ làm giả các bộ hợp đồng bảo hiểm và chứng từ, hồ sơ liên quan. Miếng bánh Hằng đưa ra là với các nạn nhân là mua lại các hợp đồng Bảo hiểm Nhân thọ của các khách hàng mua trước, nhưng hủy ngang để duy trì tiếp hợp đồng này, khi hết hạn hợp đồng sẽ được hưởng toàn bộ giá trị hợp đồng, nhận lãi cao 50-53% hoặc bỏ ra 100 triệu đồng mua gói bảo hiểm hưu trí thì mỗi tháng được nhận lương, chuyển vào tài khoản cá nhân từ 4-5,5 triệu đồng. Các khách hàng hám lời đã nhẹ dạ nghe theo. Qua các phi vụ trót lọt, tiền tỷ vào túi, Hằng nhận thấy khách hàng dễ dàng tin tưởng vào "kế" của mình. Để tiếp tục tạo dựng lòng tin, Hằng tung ra các "chiêu" khuyến mại "sốc" hơn như: tặng xe hơi giá trị cao, tri ân khách hàng, tổ chức các chuyến du lịch. Đến tháng 9/2011 thì vụ việc vỡ lở, đường dây sụp đổ. Quá trình bán các loại bảo hiểm giả mạo trên, Hằng và các nhân viên đã sử dụng phiếu thu giả mang lô-gô, biểu tượng đặc trưng của Prudential và các bộ hồ sơ có biểu tượng hình dấu và chữ ký...của Prudential.
Điều đáng nói ở trong vụ lừa đảo này là nhiều nạn nhân có trình độ, hiểu biết pháp luật; không ít trường hợp đóng tiền bảo hiểm với số tiền hàng trăm triệu đồng mà chỉ nhận phiếu thu giả hoặc giấy biên nhận viết tay sơ sài.
Đó là trường hợp cá nhân lợi dụng danh nghĩa công ty để kiếm lợi riêng mình. Một thể loại khác chưa được liệt kê vào tín dụng đen nhưng nguy hại cũng không kém, đó là việc đưa vị thế thương hiệu một thời hoàng kim ra làm tín chấp để vay ngân hàng. Tin vào danh tiếng lại chạy theo doanh số, nhiều ngân hàng lâm vào những khoản nợ khó đòi mà lâu nay thường gọi là nợ xấu. Đơn cử, khi chấp nhận cho Công ty Phương Nam thế chấp hàng tồn kho để vay vốn, các ngân hàng đã không giám sát để công ty này dùng 260 tấn hàng có trị giá 22 tỷ đồng đi thế chấp cùng thời điểm ở nhiều ngân hàng. Khi vỡ ra thì đã vay tới 700 tỷ đồng và dư nợ đến hơn 1.600 tỷ đồng. Nhưng đáng sợ và nguy hiểm hơn là loại tín dụng đen của các đại gia có khả năng chi phối thị trường tiền tệ. Tín dụng đen dạng này có thể làm thay đổi giá trị chứng khoán, thao túng nguồn vốn,...
Lỗ hỏng
Ông Nguyễn Văn Lý - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết không loại trừ khả năng "tín dụng đen" xâm lấn vào hoạt động của các ngân hàng.Vì lãi lớn, tránh được thuế và sự quản lý của các cơ quan chức năng, tín dụng đen một số nơi luôn có xu hướng móc nối với cán bộ ngân hàng để trục lợi. Đơn cử, chỉ cần có vốn, thông qua quen biết với cán bộ ngân hàng, sẽ lập tức trở thành chủ nợ những người vay ngân hàng đến hạn hoặc muốn đáo nợ, hưởng lãi suất cao từ phía người vay. Và như thế đã hình thành một vòng tròn vay trả nợ cho nhau trước áp lực phải trả nợ.
Hậu quả khôn lường, hệ lụy đến mọi mặt của đời sống, vậy nhưng những chiếc vòi bạch tuộc của tín dụng đen vẫn cứ ngày một dài thêm. Theo quy định hiện nay, chỉ các tổ chức được nhà nước cấp phép mới được hoạt động kinh doanh tiền tệ, nếu không có giấy phép, không có đăng ký kinh doanh mà vẫn thực hiện cho vay là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, những quy định chi tiết về vấn đề này còn yếu và thiếu.Trong khi chờ, chúng ta hãy nâng cao cảnh giác tránh dính đến tín dụng đen. Hãy luôn đặt câu hỏi: giới "tín dụng đen" làm gì để có tiền trả lãi cao gấp nhiều lần so với lãi suất Ngân hàng Nhà nước quy định, trong khi thực trạng nền kinh tế đang khó khăn như hiện nay và điều quan trọng nhất là nên biết hạn chế lòng tham lợi nhuận vô lý của chính mình lại.
Phương Nhi
Đăng nhận xét