- Back to Home »
- Đo tỷ lệ người bệnh hài lòng với dịch vụ khám, chữa bệnh 3 năm/lần
GiadinhNet - Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư số 06/2014/TT-BYT về danh mục hệ thống chỉ số thống kê cơ bản ngành Y tế. Theo đó, nhiều chỉ số liên quan đến lĩnh vực DS-SKSS/KHHGĐ sẽ bổ sung báo cáo.
Cụ thể như tỷ lệ phụ nữ từ 30-54 tuổi được sàng lọc ung thư cổ tử cung; Tỷ lệ phụ nữ trên 40 tuổi được sàng lọc ung thư vú... Các chỉ tiêu này sẽ được báo cáo định kỳ 5 năm/lần, qua điều tra dân số trên toàn quốc, vùng sinh thái do Chương trình ghi nhận ung thư chịu trách nhiệm cung cấp thông tin.
Ngoài ra, 2 cơ quan là Tổng cục DS-KHHGĐ và Tổng cục Thống kê cũng sẽ báo cáo chỉ số tỷ lệ phụ nữ trong nhóm tuổi 15-49 tuổi có nhu cầu KHHGĐ chưa được đáp ứng.
Đặc biệt, trong nhóm chỉ số Chất lượng và tính an toàn của dịch vụ y tế, tỷ lệ người bệnh hài lòng với dịch vụ khám, chữa bệnh sẽ được báo cáo 3 năm/lần, trên từng tỉnh/thành, từng tuyến, từng loại hình công/tư.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/3/2014.
V.Thu
Nghị sĩ Nhật Bản chia sẻ về bảo hiểm y tế toàn dân
Ngày 4/3, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội và Tổ chức Y tế thế giới phối hợp tổ chức tọa đàm trao đổi kinh nghiệm quốc tế về bảo hiểm y tế toàn dân. Theo bà Trương Thị Mai - Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Việt Nam luôn coi bảo hiểm y tế là một trong những trụ cột quan trọng trong chính sách an sinh xã hội, góp phần xây dựng nền y tế công bằng, hiệu quả và phát triển.
Hết năm 2013, tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đã là 70%, nhưng theo đánh giá vẫn còn nhiều hạn chế trong việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm y tế. GS Keizo Takemi, Nghị sỹ Nhật Bản, Chủ tịch Diễn đàn Nghị sỹ châu Á về Dân số và phát triển đã giới thiệu về bảo hiểm y tế toàn dân của Nhật Bản và gói chính sách tổng thể để phát triển tầng lớp trung lưu khỏe mạnh tại Nhật Bản trong những năm 60 của thế kỷ trước.
Theo GS Takemi, Việt Nam và các quốc gia sẽ đối mặt với già hóa trong tương lai gần có thể đạt được "xã hội già hóa khỏe mạnh" bằng cách có sự chuẩn bị sớm về chính sách. Với mức thu nhập như hiện nay cùng với nguồn ngân sách và mạng lưới y tế thì Việt Nam vẫn còn cần tiếp tục bổ sung, điều chỉnh, đầu tư để đạt được chất lượng trong bảo hiểm y tế.
Hải Phong
Đăng nhận xét