Posted by : Unknown 30 tháng 6, 2014

Cần có cách nhìn nhân văn cho việc ngủ trưa, và không có gì phải mặc cảm hay tự ti về thói quen này.

Việc một giám đốc của một doanh nghiệp thành viên của FPT ra quy định không cho nhân viên ngủ trưa gây nên nhiều ý kiến tranh luận. Có hai luồng ý kiến rõ rệt về việc ngủ trưa: ủng hộ và phản đối. Mỗi bên đều đưa ra các luận điểm và dẫn chứng nhằm chứng minh quan điểm của mình là đúng. Theo quan điểm của tôi, cần có cách nhìn nhân văn cho việc ngủ trưa, và không có gì phải mặc cảm hay tự ti về thói quen này.

Các nền văn hóa khác nhau tạo ra các thói quen khác nhau, và do đó không thể áp dụng một cách máy móc hoàn toàn các chuẩn mực của một nền văn hóa ở nước này cho một nước khác. Thói quen sinh hoạt của người phương Tây khác rất nhiều với người Việt, việc bê nguyên xi cung cách sống của người Châu Âu, Mỹ hay Úc để áp dụng cho người Việt Nam là bất hợp lý. Là người đã làm việc nhiều năm ở một số nước Châu Âu, tôi hiểu tương đối rõ về phong cách sinh hoạt và làm việc của họ. Ở Châu Âu, trừ những người làm việc ở các bộ phận tiếp khách phải đảm bảo đúng giờ như nhà băng, bảo hiểm, cảnh sát, rất nhiều nhóm người có thể thức dậy muộn và đến công sở muộn. Một số nghề nghiệp cho phép người lao động tự tìm thời gian làm việc cho thích hợp với điều kiện của mình. Trong những trường hợp như vậy, người lao động không phải bận tâm nhiều về giờ giấc làm việc. Trong môi trường làm việc nghiên cứu ở các trường đại học, các nghiên cứu viên có thể bắt đầu làm việc vào các thời điểm khác nhau.

Ngủ trưa văn phòng: Tại sao phải xấu hổ? - 20140627161353-ngu.jpg
Ảnh minh họa: Internet

Ở các trường đại học nơi tôi từng làm việc, đồng nghiệp thường đi làm muộn, khoảng 9h30 hoặc 10h sáng, nhiều người 10h30 mới đến trường. Giữa giờ làm việc có nghỉ giải lao khoảng 20 đến 30 phút, trong thời gian đó nhân viên uống cà phê, nói chuyện, tán gẫu. Họ nghỉ ăn trưa lúc 12h30, hoặc 13h00 và không ngủ trưa. Sau đó nhân viên làm việc đến 17h, 18h, thậm chí tới 21h, tùy theo khả năng và điều kiện của từng người. Thông thường mỗi người sẽ tự giác điều chỉnh để làm sao đạt hoặc vượt đủ số giờ làm việc quy định trong một tuần, khoảng từ 35h - 38,5h/tuần. Trong thời gian làm việc buổi chiều cũng có từ 20 đến 30 phút cho nghỉ giữa giờ như buổi sáng. Ngày thứ Sáu hàng tuần nhiều trường đại học chỉ làm việc đến 14h, nhân viên có thể về nhà sớm để đón ngày nghỉ cuối tuần cùng gia đình.

Môi trường làm việc, môi trường sống có tác động không nhỏ tới thói quen của người lao động. ��� châu Âu, đa số người lao động đi làm bằng các phương tiện giao thông công cộng như tàu điện, xe buýt với lịch trình đúng theo từng phút lẻ. Khác với người lao động Việt Nam từ sáng sớm ra khỏi nhà, ngồi lên xe máy là bắt đầu đối mặt với một hành trình tham gia giao thông căng thẳng, người lao động Châu Âu sáng đi làm ra bến, lên tàu là có thể tranh thủ ăn sáng, đọc báo mà không phải lo nghĩ, căng mọi giác quan để điều khiển phương tiện giao thông. Thêm vào đó, đặc trưng thời tiết Châu Âu là không quá nóng nực như ở Việt Nam. Ngay cả những ngày nóng bức nhất, có lúc lên tới 35 độ C nhưng cũng không làm con người mệt mỏi và kiệt sức. Người dân vẫn có thể đi bộ, đầu trần giữa trưa nắng nhưng không bị mệt, chóng mặt; dù trời đang nắng nóng tới mấy nhưng đi vào bóng râm là sẽ thấy mát mẻ và dễ chịu.

Là người đã từng làm công việc lập trình trong nhiều năm, tôi hiểu và thông cảm những vất vả của những lập trình viên. Dân văn phòng nói chung, đặc biệt là những người lập trình, làm việc với máy tính toàn bộ thời gian họ có mặt tại cơ quan. Những người làm với máy tính dễ mắc phải các bệnh như đau cơ, thoái hóa đốt sống cổ, mỏi mắt, tích mỡ bụng,… và thường xuyên đối mặt với những cơn buồn ngủ bất chợt. Với loại hình lao động đặc biệt này, cần phải áp dụng các biện pháp để chống mệt mỏi và suy nhược. Một trong các biện pháp đó là phải có lúc tách rời hoàn toàn khỏi chiếc máy tính, giải trí với thiên nhiên. Ngoài ra, để thay đổi không khí, đỡ nhàm chán và căng thẳng, thông thường trong giờ làm việc không phải toàn bộ thời gian đều được các lập trình viên dành cho việc lập trình. Có nhiều hoạt động được thực hiện đan xen nhau như kiểm tra, trả lời email, chat với bạn bè, thỉnh thoảng đọc tin tức, thậm chí chơi games. Vì vậy nếu giờ nghỉ trưa không được ngủ mà vẫn phải ngồi trước màn hình máy tính, thực hiện các công việc y chang như đã làm trong buổi sáng thì sẽ rất mệt mỏi. Điều đó sẽ gây ra suy giảm năng suất lao động của buổi chiều của các lập trình viên.

Theo tôi, việc cấm nhân viên ngủ trưa có thể "làm đẹp" các phòng làm việc của FPT IS dưới cách nhìn của người nước ngoài (theo quan điểm của ông giám đốc đã ra quy định cấm nhân viên ngủ trưa) nhưng sẽ làm giảm đáng kể năng suất lao động của nhân viên – những "ong thợ" của công việc lập trình. Quyết định của ông Giám đốc FPT IS là nhược tiểu vì thấy người nước ngoài không thích, chê bai thì tự thấy xấu hổ, và ra lệnh bãi bỏ thói quen của người lao động. Thay vì suy xét kỹ điều kiện hoàn cảnh cụ thể để có sự điều chỉnh cho thích hợp, ông giám đốc này đã áp đặt một lệnh cấm đoán tùy tiện. Ông này có thể không ngủ trưa, nhưng không có nghĩa là những người khác cũng không cần ngủ trưa, và càng không có nghĩa là họ lười biếng. Cách suy luận của ông giám đốc mắc phải lỗi ngụy biện sơ đẳng là quy nạp sai, khái quát vội vã, giống như là: "Ông A là người nghiện thuốc lá, vì vậy các bạn của ông ấy cũng nghiện thuốc lá," hay là "Bà B là người lười biếng, bà B hay ngủ trưa vì vậy những người ngủ trưa là người lười biếng."

Một nước công nghiệp hiện đại, có nhịp độ lao động cao như Nhật Bản, nhưng gần đây cũng đã khuyến khích người lao động ngủ trưa. Dịch vụ cho thuê địa điểm ngủ trưa đã phát triển mạnh vì những thay đổi này. Quan điểm của những người sử dụng lao động Nhật Bản là tạo cơ hội để người lao động nghỉ ngơi, lấy lại sức phục vụ cho các công việc của buổi chiều. Qua theo dõi các bài viết về chủ đề ngủ trưa đang được bàn luận, tôi thấy có một số bài viết theo lập trường phản đối việc ngủ trưa lấy dẫn chứng nhiều người nổi tiếng thành đạt không bao giờ ngủ trưa, từ đó quy nạp để đưa ra kết luận ngủ trưa là lười biếng. Để lấy phản ví dụ, trong bài viết này tôi cũng có thể nêu ra các trường hợp một số chính trị gia nổi tiếng và thành đạt nhưng có ngủ trưa như cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill, các cựu tổng thống Mỹ như John F. Kennedy, Ronald Reagan, George W. Bush. Ngoài ra một số nhà bác học xuất chúng, có nhiều đóng góp cho nền khoa học của nhân loại như Albert Einstein, Thomas Edison cũng ngủ trưa. Vì vậy, lấy việc ngủ trưa là căn cứ để phán xét người khác lười nhác hay là nguyên nhân dẫn tới thất bại trong công việc thì e rằng quá phiến diện. Để chứng minh một mệnh đề là đúng bằng cách liệt kê các trường hợp, người ta phải chỉ ra rằng tất cả các trường hợp có thể có của mệnh đề đó là đúng. Nhưng để chứng minh một mệnh đề sai, chỉ cần liệt kê được một trường hợp cụ thể sai là đủ.

Theo tôi, nếu như người lao động vẫn làm việc và hoàn thành các phần mềm, giao hàng đúng thời hạn, đảm bảo tiến độ thực hiện hợp đồng thì không có lý do gì khiến ông giám đốc nọ phải xấu hổ với đối tác nước ngoài. Việc ngủ trưa là cần thiết vì đó là dịp để người lao động tái tạo sức lao động, trên cơ sở đó có thể hoàn thành công việc đúng thời hạn. Cần đảm bảo sự hài hòa và tôn trọng quyền tự do của người lao động, không ai có quyền cấm đoán người khác không được làm một việc, đặc biệt là khi việc đó không trái pháp luật. Mục đích quan trọng nhất mà cả lãnh đạo và người lao động cần hướng tới là đảm bảo năng suất lao động, hoàn thành công việc đúng thời hạn. Ai cần ngủ trưa cứ ngủ, ai không có nhu cầu ngủ trưa thì làm việc khác. Theo ý kiến của tôi, cần có một số điều chỉnh cho phù hợp để vừa đảm bảo giấc ngủ trưa cho nhân viên, đồng thời duy trì được mỹ quan công sở. Thời gian ngủ trưa nên được giới hạn từ 30 đến 45 phút, các văn phòng cần được thiết kế lại để phù hợp với việc nghỉ bằng cách lắp đặt thêm các trang thiết bị như giường gấp, rèm che. Thêm vào đó cần phải bố trí khu nghỉ trưa cho nam và nữ riêng biệt.

Nguyễn Phạm Phương Anh



Từ khoá : bán dự án flemington

Popular Post

Blog Archive

Được tạo bởi Blogger.

- Copyright © Tin Moi Online, Tin Tuc, Tin Moi, News, Tin Tong Hop