Các tỉnh vào cuộc kịp thời
Ngay sau khi ban hành các chính sách nhằm triển khai Nghị quyết số 29/NQ-CP của Chính phủ thực hiện các biện pháp bình ổn giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, Bộ Tài chính đã tổ chức 2 đoàn kiểm tra tại một số tỉnh miền Trung (Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng) và miền Nam (Bà Rịa - Vũng Tàu và TP. Hồ Chí Minh).
Theo kết quả sơ bộ, Cục Quản lý giá cho biết, nhìn chung các Sở Tài chính đã triển khai thực hiện nghiêm túc công tác bình ổn giá đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, như tổ chức tập huấn, hướng dẫn, tiếp nhận và rà soát đăng ký, công bố thông tin về giá...
Đa số các tổ chức, cá nhân thực hiện đăng ký giá trên địa bàn là các đại lý, chi nhánh không có quyền quyết định giá và thực hiện theo giá bán của nhà cung cấp. Các mức giá bán buôn, giá bán lẻ bằng hoặc thấp hơn mức giá bán buôn tối đa, giá bán lẻ khuyến nghị tại Công văn số 156/CQLG-NLTS của Cục Quản lý giá. Các tổ chức, cá nhân đã thực hiện nghiêm túc việc niêm yết giá theo quy định.
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số đơn vị đăng ký giá chưa đầy đủ và chưa thực hiện đăng ký giá. Sở Tài chính đã kịp thời nhắc nhở và đôn đốc các đơn vị thực hiện theo đúng quy định.
Theo báo cáo của các địa phương, mức giá bán lẻ trên thị trường hiện không thay đổi so với thời điểm báo cáo ngày 30-6-2014. Hiện nay, các Sở Tài chính đã và đang tiếp tục triển khai tập huấn, hướng dẫn UBND cấp quận huyện thực hiện công tác bình ổn giá.
Riêng Sở Tài chính Thanh Hóa đã có quy định cụ thể tỷ lệ các chi phí liên quan khác để xác định giá bán lẻ tối đa cho 5 khu vực trên địa bàn lần lượt là 8%, 9%, 10%, 12% và 15%.
Bên cạnh đó, các Sở Tài chính cũng đã và đang bắt đầu triển khai các đoàn kiểm tra liên ngành việc thực hiện giá bán tối đa, giá đăng ký và niêm yết giá của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi trên địa bàn.
Đặc biệt 1 số tỉnh đã lập đường dây nóng để giải đáp vướng mắc, xử lý việc thực hiện không đúng quy định bình ổn giá của nhà nước như Sở Tài chính các tỉnh: Thanh Hóa, Yên Bái, Đắk Lắk, Quảng Nam, Hậu Giang...
Rà soát để bổ sung sản phẩm sữa vào diện bình ổn
Nhận định sau 1 tháng thực hiện bình ổn giá sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, Cục Quản lý giá cho biết, về cơ bản UBND, Sở Tài chính các tỉnh, thành phố và các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh đã thực hiện nghiêm túc theo chủ trương của Chính phủ, văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Về mức giá, giá bán lẻ sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi trên thị trường đã giảm so với mức giá bán trước khi Nhà nước công bố biện pháp bình ổn giá, với tỷ lệ giảm khoảng 0,3% - 34%.
Về tình hình kiểm tra, một số trường hợp vi phạm trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã được Sở Tài chính TP.Hồ Chí Minh cảnh cáo, nhắc nhở và xử lý vi phạm. Đến nay, các đơn vị này đã điều chỉnh lại mức giá theo đúng quy định.
Tuy nhiên, do đây là lần đầu thực hiện áp dụng biện pháp xác định giá tối đa đối với mặt hàng có nhiều chủng loại khác nhau, nhiều doanh công ty tham gia sản xuất, kinh doanh, phân phối và khâu phân phối bán lẻ rất phức tạp, cách thức phân phối của mỗi công ty khác nhau dưới nhiều hình thức nên nhiều địa phương còn triển khai chậm so với thời hạn quy định.
Để tiếp tục thực hiện tốt chủ trương hết sức nhân văn này, Cục Quản lý giá cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục đôn đốc các tỉnh, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện và gửi báo cáo tình hình về Bộ Tài chính theo quy định.
Đồng thời, tiếp tục theo dõi, kiểm tra, giám sát và giải đáp vướng mắc, khó khăn trong việc thực hiện biện pháp bình ổn giá; phối hợp với Bộ Y tế rà soát, bổ sung danh mục sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính sẽ có Công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Tài chính và các Sở chức năng tiến hành công bố bổ sung sản phẩm sữa thuộc diện bình ổn giá và rà soát, kiểm tra giá tối đa và giá đăng ký đối với các sản phẩm đó của các công ty phải thực hiện đăng ký giá tại địa bàn.
Bên cạnh đó, Cục Quản lý giá cho biết sẽ tiếp tục đôn đốc các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan như Hải quan, Thuế, cơ quản quản lý giá tại địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc xác định giá tối đa, đăng ký giá, thực hiện niêm yết giá và thực hiện bán lẻ tại địa phương; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và đăng tải công khai trên phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và giám sát.
Đăng nhận xét