Tài liệu dài 4 trang này được cho là thể hiện những cuộc tấn công từ ngày 21-26/7, tức là chỉ vài ngày sau khi máy bay MH17 bị bắn hạ ngày 17/7.
Những hình ảnh do Mỹ cung cấp cũng cho thấy nhiều quả rocket được phóng bởi lực lượng ly khai Ukraine hoạt động tại nước này và trên đất Nga. Một hình ảnh còn cho thấy hàng loạt hố đạn sâu xung quanh một đơn vị quân đội của Ukraine. Một hình ảnh khác cho thấy nhiều quả rocket có tầm bắn lên tới hơn 10km.
Theo tài liệu dài 4 trang mà Mỹ đưa ra kèm theo những hình ảnh vệ tinh nói trên, một hình ảnh trong đó đã cung cấp bằng chứng rằng quân đội Nga đã "phóng rocket vào quân đội Ukraine và rằng Nga đã hỗ trợ phiến quân sử dụng đạn pháo hạng nặng do Nga cung cấp để tấn công lực lượng quân đội Ukraine ngay trong lòng Ukraine".
Cũng theo bản ghi nhớ nói trên: "Những khu vực rộng lớn bị ảnh hưởng bởi đạn pháo gần các căn cứ quân sự của Ukraine cho thấy vệt lửa gây ra bởi rất nhiều quả rocket".
Ngoài ra, bản ghi nhớ này còn bao gồm một hình ảnh vệ tinh được coi là bằng chứng về những loại pháo tự hành vốn chỉ có ở các đơn vị Nga "đang nhắm bắn từ khu vực biên giới của Nga vào các đơn vị của Ukraine hoạt động tại Ukraine".
Theo AP, tài liệu dài 4 trang này là một phần trong những nỗ lực của chính quyền Tổng thống Obama để buộc Nga phải chịu trách nhiệm về những hoạt động của mình tại Ukraine và việc công bố những hình ảnh vệ tinh nói trên có thể giúp Mỹ thuyết phục các đồng minh châu Âu áp đặt lệnh trừng phạt nặng nề hơn nữa đối với Nga.
Trong một diễn biến khác, báo Mỹ The New York Times ngày 27/7 đưa tin các quan chức tình báo và quốc phòng Mỹ đang lên một kế hoạch cho phép chính quyền Obama cung cấp cho chính phủ Ukraine định vi chi tiết các tên lửa đất đối không do lực lượng ly khai kiểm soát. Nếu kế hoạch này được thông qua, quân đội Ukraine có thể định vị, tấn công và phá hủy những tên lửa này.
Trước đó, Mỹ đã liên tiếp cáo buộc Nga "đổ dầu vào lửa" ở miền Đông Ukraine và từ sau khi xảy ra vụ máy bay MH17 bị bắn rơi, những cáo buộc này còn mạnh mẽ hơn. Hôm 24/7, Mỹ đã tố Nga nã pháo sang Ukraine. "Đây là hành vi làm leo thang xung đột nghiêm trọng", Đại tá Steven Warren, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ nhận định.
Theo bà Marie Harf, phát ngôn viên Phó Bộ Ngoại giao Mỹ, Moscow cũng đang có kế hoạch "cung cấp nhiều bệ phóng tên lửa hạng nặng và uy lực hơn" cho lực lượng ly khai thân Nga ở Ukraine. Các bằng chứng dựa trên thông tin tình báo cho thấy Nga vẫn đang tiếp tục chuyển vũ khí qua biên giới Ukraine sau vụ rơi máy bay MH17. Tuy nhiên, Mỹ từ chối công bố bằng chứng và cung cấp thông tin chi tiết.
Nga muốn Mỹ cung cấp bằng chứng MH17 bị bắn hạ
Theo Lầu Năm Góc, Nga còn tăng cường lực lượng quân sự ngay sát biên giới với Ukraine. Chỉ trong một tuần, số lượng binh sĩ Nga đóng ở khu vực này đã tăng từ 12.000 lên đến 15.000 người.
Nhiều giàn pháo và bệ phóng tên lửa cũng được triển khai đến phía nam căn cứ Rostov, trước khi được bàn giao cho phiến quân Ukraine. Trước đó, các quan chức tình báo Mỹ đã công bố ảnh vệ tinh cho thấy Nga đang xúc tiến việc tái cấu trúc và mở rộng căn cứ.
Trước đó 2 ngày, Mỹ đã công bố các thông tin mà nước này thu thập được để củng cố tuyên bố của mình rằng vụ chiếc máy bay MH17 bị rơi, khiến 298 người thiệt mạng, là do lực lượng ủng hộ ly khai tại miền Đông Ukraine bắn hạ.
Liên quan đến tình hình miền Đông Ukraine, hồi đầu tháng 4, Mỹ đã cảnh báo rằng Nga có thể đang kích động một cuộc ly khai kiểu Crimea ở miền Đông Ukraine, khi lực lượng ủng hộ Moscow chiếm giữ các tòa nhà chính quyền và đụng độ với cảnh sát địa phương.
"Mọi thứ mà chúng ta chứng kiến trong 48 giờ qua, từ những kẻ khiêu khích và đặc vụ Nga đang hoạt động ở Đông Ukraine, cho thấy rằng họ được cử đến đó với mục đích gây hỗn loạn", Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói trong cuộc họp với ủy ban đối ngoại của Thượng viện. "Điều này hoàn toàn không thể chấp nhận được".
Ông Kerry cho hay dù ưu tiên của phương Tây là xoa dịu khủng hoảng ở Ukraine bằng biện pháp ngoại giao, Washington vẫn sẵn sàng "làm những gì cần thiết" để duy trì trật tự quốc tế.
"Nếu Nga định can thiệp sâu hơn vào Ukraine, đó sẽ là một sai lầm lịch sử", ông nói. "Nó sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho mối quan hệ của chúng tôi với Nga và cô lập Nga về mặt quốc tế".
Về phần mình, Nga đã bác bỏ những cáo buộc về việc Nga có liên quan đến tình hình miền Đông Ukraine. Moscow chỉ trích chính quyền Mỹ đang cố tình tạo ra một chiến dịch bôi nhọ chống lại Nga và Mỹ mới là nước đứng sau cuộc đổ máu ở Ukraine.
Bộ Quốc phòng Nga cũng bác bỏ cáo buộc của Chính phủ Ukraine rằng rocket phóng đi từ lãnh thổ Nga đã bắn rơi hai máy bay chiến đấu SU-25 của Ukraine ở Donetsk hôm 23/7, gần khu vực xảy ra thảm họa MH17.
Lan Phương (Tổng hợp)
Đăng nhận xét