Posted by : Unknown 26 tháng 7, 2014

* Hoạt động , kinh doanh ngành phân bón trong nước những tháng đầu năm 2014 sụt giảm mạnh

Tăng thuế nhập khẩu phân bón: Nông dân lo lắng - 2014_207_5_a1.jpg
Phân bón tăng giá, người nông dân lo lắng

Nguồn cơn của đề xuất tăng thuế

Nếu như tăng thuế nhập khẩu phân bón, DN nhập khẩu hầu như không ảnh hưởng, vì nếu họ nhập với giá thành cao thì đương nhiên họ sẽ bán với giá cao. Trong câu chuyện này, chỉ có DN sản xuất phân URE và DAP là được lợi, còn lợi ích của hơn 70% dân số đã bị lãng quên.

(Ông VŨ DUY HẢI, Chủ tịch Hội
đồng Quản trị Công ty cổ phiếu Vật tư nông nghiệp Vinacam)
Dự định tăng thuế nhập khẩu phân bón lên cao gấp đôi của Bộ Tài chính bắt đầu xuất phát từ đề xuất của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem). Đưa ra lý do để dẫn đến đề xuất này, Vinachem cho rằng, hoạt động sản xuất, kinh doanh ngành phân bón trong nước những tháng đầu năm 2014 đã sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2013. Và một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm này chính là bởi nguồn nhập khẩu tăng nhanh, tồn kho trong nước ngày càng gia tăng… Bởi vậy, Vinachem đã đề nghị Bộ Tài chính tăng thuế nhập khẩu phân UREA lên mức 7% và DAP lên 8% so với mức đang áp dụng hiện nay. Về phía Bộ Tài chính, dựa vào đề xuất của Vinachem, Bộ cũng đang dự kiến điều chỉnh thuế nhập khẩu đối với hai mặt hàng trên là 6%, tức thấp hơn con số kiến nghị của Vinachem 1% đối với mặt hàng UREA và 2% đối với DAP.

Quan điểm của cả Vinachem và Bộ Tài chính là, việc tăng thuế nhập khẩu là nhằm khuyến khích sản xuất phân bón UREA và phân DAP trong nước, đồng thời hạn chế nhập khẩu các loại phân bón này từ Trung Quốc. Như vậy cũng góp phần làm giảm sự lệ thuộc của ngành phân bón vào thị trường Trung Quốc, đồng thời sẽ hạn chế được những vấn đề bất cập hiện nay của thị trường phân bón như vấn đề về phân bón giả, hàng lậu, hàng nhái… như thời gian vừa qua dư luận đã được chứng kiến.

Từ đây, có thể nhìn nhận, quan điểm của Bộ Tài chính hay Tập đoàn Hóa chất là không sai! Vì có thể coi việc tăng thuế nhập khẩu là một trong những hình thức bảo hộ sản xuất trong nước, đồng thời giảm lệ thuộc. Tuy nhiên, dường như, khi đề xuất ý kiến tăng thuế này, Vinachem – một DN nhà nước vì lợi ích của mình lại bỏ qua lợi ích của 70% dân số Việt Nam, đó chính là người nông dân.

Tăng thuế nhập khẩu phân bón: Nông dân lo lắng - 2014_207_5_a2.jpg


Chi phí của nông dân cho phân bón là rất lớn

Vì lợi ích của ai?

Phân bón là sản phẩm đầu vào mà bà con nông dân buộc phải mua để phục vụ cho sản xuất của mình. Vốn thu nhập của người nông dân đã và đang rất bấp bênh, nên đương nhiên họ sẽ lựa chọn những sản phẩm giá thấp để chi phí cho đầu vào sản xuất. Trong khi đó, giá phân bón trong nước luôn cao hơn giá phân bón cùng loại nhập khẩu. Chính bởi vậy, nên phân bón nhập khẩu sẽ luôn là lựa chọn đầu tiên của người nông dân.

Theo các chuyên gia trong ngành, nếu như cùng với dự định tăng giá nhập khẩu phân bón, các nhà quản lý phải tìm cách làm sao để hạ giá thành phân bón sản xuất trong nước xuống, đó mới là vì lợi ích của nông dân. Song ở đây, dường như trong câu chuyện này, dự định tăng thuế nhập khẩu phân bón lên cao của nhà quản lý chỉ với mục đích cố gắng kéo giá phân bón nhập khẩu lên cao ngang bằng với giá sản xuất trong nước. Điều này đã làm tăng, gánh nặng chi phí đầu vào của người nông dân bị đẩy lên gấp đôi.

Quay trở lại với đề xuất của Vinachem, hiện chính Tập đoàn này đang thừa nhận một thực tế: Nhà máy Đạm Ninh Bình trị giá trên 11 nghìn tỷ đồng vốn được chủ đầu tư- Tập đoàn Vinachem kỳ vọng như một "cú đấm thép" nhằm đảm bảo chủ động nguồn phân bón sản xuất trong nước đang "thoi thóp" vì trót nhập công nghệ sản xuất từ Trung Quốc.

Việc ham nhập máy móc, công nghệ sản xuất rẻ đã dẫn đến thực trạng thường xuyên xảy ra sự cố khi vận hành máy móc, sản xuất bất ổn, không đạt được như kỳ vọng. Kết cục là, Nhà máy Đạm Ninh Bình thua lỗ triền miên. năm 2012 Công ty này lỗ 75 tỷ đồng, năm 2013 lỗ gấp 10 lần, lên 759 tỷ đồng. Ước 6 tháng đầu năm 2014 cũng đã lỗ 237 tỷ đồng. Lỗ lũy kế đến nay là là 1.071 tỷ đồng.

Sự thua lỗ này khiến dư luận đặt câu hỏi: Phải chăng Vinachem đề xuất tăng thuế nhập khẩu phân bón để cứu "con cưng" của mình là Nhà máy Đạm Ninh Bình? Bởi chắc chắn, khi thuế nhập khẩu tăng, áp lực cạnh tranh về giá của Nhà máy Đạm Ninh Bình có thể giảm đi. Song, gánh nặng ấy lại chuyển sang vai của đối tượng khác, đó chính là người nông dân khi họ bị mất đi nguồn cung giá thấp. Theo ông Vũ Duy Hải, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phiếu Vật tư nông nghiệp Vinacam, nếu như tăng thuế nhập khẩu phân bón, DN nhập khẩu hầu như không ảnh hưởng, vì nếu họ nhập với giá thành cao thì đương nhiên họ sẽ bán với giá cao. Trong câu chuyện này, chỉ có DN sản xuất phân URE và DAP là được lợi, còn lợi ích của hơn 70% dân số đã bị lãng quên. "Vậy, liệu có nên đánh đổi lợi ích của hàng triệu hộ nông dân với lợi ích của một số nhà máy sản xuất trong nước?" - ông Hải đặt câu hỏi.

Giới chuyên gia trong ngành cho rằng, nếu như các nhà quản lý đưa ra giải pháp tăng thuế nhập khẩu phân bón để bảo hộ sản xuất trong nước, ổn định thị trường phân bón… đó cũng là vấn đề cần cân nhắc. Tuy nhiên, tăng ra sao, tăng ở thời điểm nào cũng cần phải cân nhắc kỹ lưỡng bởi nếu không kiểm soát chặt chẽ, sẽ dẫn đến tình trạng các DN lợi dụng thao túng về giá để tăng lợi nhuận. Cuối cùng, thiệt thòi nhất vẫn chính là người nông dân.

Phương Thảo

Popular Post

Blog Archive

Được tạo bởi Blogger.

- Copyright © Tin Moi Online, Tin Tuc, Tin Moi, News, Tin Tong Hop