Posted by : Unknown 23 tháng 11, 2012

Ngày 22-11, kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII sang ngày làm việc thứ 26. Các đại biểu làm việc tại hội trường, thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân; thảo luận dự án Luật Hòa giải cơ sở và dự án Luật Giáo dục quốc phòng - an ninh.

Mức giảm trừ gia cảnh là 9 triệu đồng/tháng

Đầu giờ sáng, sau khi nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị đại biểu QH về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân, QH đã biểu quyết thông qua dự án luật nói trên, với 444 đại biểu tán thành, bằng 89,16% tổng số đại biểu QH.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân quy định: Giảm trừ gia cảnh là số tiền được trừ vào thu nhập chịu thuế trước khi tính thuế đối với thu nhập từ kinh doanh, tiền lương, tiền công của đối tượng nộp thuế là cá nhân cư trú. Giảm trừ gia cảnh gồm hai phần:

a) Mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm);

b) Mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng.

Trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất, thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ QH điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh phù hợp biến động của giá tiêu dùng để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7- 2013.

Hòa giải viên phải là người có uy tín, am hiểu pháp luật

Tiếp đó, các đại biểu thảo luận về dự án Luật Hòa giải cơ sở. Đa số ý kiến phát biểu cho rằng, việc ban hành luật này là cần thiết, nhằm điều chỉnh hoạt động hòa giải ở cơ sở, góp phần giải quyết kịp thời các mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ tại địa bàn dân cư, đồng thời đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc mức độ sao cho phù hợp bản chất tự nguyện, tự quản, không hành chính hóa hoạt động này.

Đại biểu Phương Thị Thanh (Bắc Cạn) cho rằng, để thành công thì không chỉ áp dụng đúng pháp luật, vì ở những vùng đồng bào dân tộc thiểu số, có những vụ việc được dân cư địa phương áp dụng những điểm tích cực trong luật tục để hòa giải thì việc xem xét có vi phạm pháp luật hay không cần phải được tính đến. Đề cập vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) cho rằng, quy định về phạm vi của hòa giải cơ sở là các mâu thuẫn, vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ trong nhân dân còn mơ hồ, vì không có cơ sở định lượng thế nào là "nhỏ". Ngoài ra, các vụ việc không được hòa giải được thể hiện trong dự thảo luật vẫn chưa rõ ràng.

Vấn đề lựa chọn, giới thiệu và công nhận hòa giải viên được nhiều đại biểu góp ý kiến. Các đại biểu Siu Hương (Gia Lai), Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cho rằng, người làm công tác hòa giải phải là người có uy tín, làm việc trên tinh thần tự nguyện, nên phải do nhân dân địa phương giới thiệu, bầu ra. Đây là cách làm thể hiện tính dân chủ, được sự đồng tình của đa số nhân dân trong khu dân cư, làng, xóm, tạo điều kiện để hòa giải viên thực hiện tốt nhiệm vụ. Một số đại biểu cho rằng, cần thiết phải quy định hòa giải viên là người am hiểu pháp luật để trên cơ sở nền tảng pháp luật, đưa ra phân tích thuyết phục, hợp lý, đúng pháp luật đối với các bên trong quá trình hòa giải.

Cần thiết ban hành Luật Giáo dục quốc phòng - an ninh

Buổi chiều, các đại biểu QH thảo luận dự án Luật Giáo dục quốc phòng - an ninh (QP-AN). Hầu hết các ý kiến phát biểu bày tỏ đồng tình với việc ban hành luật này và cơ bản tán thành nội dung của dự thảo luật. Các ý kiến phát biểu cho rằng, công tác giáo dục quốc phòng và an ninh trong thời gian qua theo chủ trương của Đảng và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng. Tuy nhiên, thực tiễn còn những bất cập làm hạn chế chất lượng, hiệu quả giáo dục QP-AN. Để khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, đồng thời thể chế hóa kịp thời quan điểm chỉ đạo của Đảng về "đổi mới căn bản, toàn diện công tác giáo dục đào tạo", nội dung của Chỉ thị 12/CT-TW ngày 3-5-2007 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục QP-AN trong tình hình mới thì việc ban hành Luật Giáo dục QP-AN là cần thiết.

Tên gọi của luật cũng thu hút nhiều đại biểu QH quan tâm. Nhiều ý kiến đề nghị lấy tên luật là: Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh (Trần Hồng Thắm - Cần Thơ, Lê Hiền Vân - Hà Nội,...), vì cụm từ "giáo dục quốc phòng và an ninh" đã được sử dụng trong Hiến pháp năm 1992, đồng thời nội hàm của dự thảo luật cũng phù hợp với tên gọi này nhằm đáp ứng yêu cầu gắn kết giữa giáo dục quốc phòng và giáo dục an ninh, nhưng vẫn bảo đảm tính độc lập tương đối giữa hai lĩnh vực này.

Bên cạnh đóng góp ý kiến vào một số vấn đề chung, các ý kiến phát biểu cũng đã đề cập nhiều vấn đề cụ thể của dự thảo luật này. Một số ý kiến cho rằng, về cơ bản, dự án luật có tính khả thi. Tuy nhiên, dự thảo luật với sáu chương, 42 điều, thì đã có đến 24 điều, khoản giao Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành là quá nhiều. Điều này khó tránh khỏi tình trạng luật ban hành rồi nhưng phải chờ văn bản hướng dẫn thi hành mới được thực thi trong cuộc sống. Có ý kiến cho rằng, nhiệm vụ giáo dục QP-AN được giao cho quá nhiều cơ quan, đơn vị thực hiện, cho nên đề nghị cần giảm đầu mối. Một số ý kiến tán thành quy định của Điều 8 về Trung tâm giáo dục QP-AN, gồm: Trung tâm giáo dục QP-AN thuộc Bộ Quốc phòng quản lý; Trung tâm giáo dục QP-AN thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý; Trung tâm giáo dục QP-AN thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý.

Các ý kiến phát biểu còn đề cập một số vấn đề cụ thể khác như: bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho người quản lý doanh nghiệp ngoài nhà nước, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, giáo dục QP-AN trong nhà trường.



Source: www.nhandan.org.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/chinh-tri/2.670/th-o-lu-n-hai-d-an-lu-t-1.378705

Popular Post

Blog Archive

Được tạo bởi Blogger.

- Copyright © Tin Moi Online, Tin Tuc, Tin Moi, News, Tin Tong Hop