- Back to Home »
- Điều bi thảm thấy trước
ANTĐ - Hàng trăm tiểu thương đang khóc ròng do hàng hóa, vốn liếng, thậm chí là cả gia sản đã bị "bà hỏa" thiêu rụi trong vụ cháy Trung tâm thương mại (TTTM) ở Hải Dương. Nguyên nhân, trách nhiệm của vụ cháy còn đang được cơ quan chức năng điều tra, song đã thấy những hệ lụy, bất ổn vô cùng lớn từ vụ cháy TTTM gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.
Khoản tiền hỗ trợ hơn chục tỷ đồng của TP và tỉnh Hải Dương cho mỗi gia đình tiểu thương 10 triệu đồng, hỗ trợ mỗi sinh viên con em tiểu thương 3 triệu đồng, miễn học phí 2 năm cho con em tiểu thương... cũng như việc ưu tiên hoãn hay miễn giảm thuế xem ra chẳng thấm tháp gì so với thiệt hại quá lớn và những hệ lụy xảy ra. Giá trị hàng hóa của các tiểu thương kinh doanh, buôn bán trong TTTM này rất lớn - người ít vài trăm triệu đồng, người nhiều lên tới cả tỷ đồng - song lại không có bảo hiểm. Nỗi đau xót của hàng nghìn con người phút chốc trắng tay, tương lai nợ nần giờ đây phải đối mặt với tình cảnh bi đát không biết sống ra sao... quả là quá sức chịu đựng.
Vụ cháy này là một thảm họa, thảm thiết hơn đây là hậu quả bi thảm có thể thấy trước. Điều thấy trước này còn hiển hiện rất rõ nếu nhìn ra những TTTM khác trên cả nước lúc này. Hầu hết ở các chợ lớn, bé ở nước ta san sát hàng hóa, quầy này liền quầy kia, hàng nghìn, hàng triệu chủng loại hàng hóa, nhiều chủ hàng lập bàn thờ riêng, có nhang và nến... Trong khi việc sử dụng điện lại quá tùy tiện, không có luôn cả thiết bị bảo vệ tự động như cầu chì, áp tô mát... Sự mất an toàn về cháy nổ ở các chợ, các TTTM cứ mặc nhiên tồn tại cho tới khi xảy ra thảm họa.
Cháy chợ Đồng Xuân, cháy TTTM ITC- TP.HCM, cháy chợ Quảng Ngãi... nay TTTM Hải Dương không còn sót tí của cải nào khiến người dân thường chẳng biết trông vào đâu để có thể phục hồi lại đời sống, phục hồi sinh kế. Cho dù từ cuối tháng 11-2006, Chính phủ đã có Nghị định 130/2006/NĐ-CP quy định chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc trong đó có chợ, TTTM.
Dù đã có văn bản pháp luật quy định, chuyện bảo hiểm cháy, nổ đối với chợ, TTTM vẫn không được mấy ai quan tâm. Trong vụ cháy chợ Quảng Ngãi hồi đầu năm 2012, hầu hết tiểu thương đều chủ quan không mua bảo hiểm vì "chắc gì chợ đã cháy mà mua cho tốn". Còn ở Hải Dương các chủ sạp hàng lại cho hay không thấy ai phổ biến gì, chỉ biết nộp phí này phí kia...
Và cũng có trường hợp ở nhiều nơi khi số ít tiểu thương muốn mua bảo hiểm thì các công ty bảo hiểm cũng không sẵn sàng, bởi họ có lý khi cho rằng nguy cơ cháy chợ là rất cao, là đơn vị kinh doanh, dại gì họ ôm lấy rủi ro. Vậy là văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành nhưng không có biện pháp bảo đảm thực thi hiệu lực.
Trong khi ráo riết buộc các phương tiện giao thông mua bảo hiểm bắt buộc thì các cơ quan chức năng liên quan cũng nên làm hết trách nhiệm, thực hiện nghiêm túc bảo hiểm cháy nổ bắt buộc đối với tòa nhà, chợ, siêu thị hay TTTM. Có vậy mới hạn chế, giảm thiếu được những điều bi thảm thấy trước. Không chỉ là những khoản đền bù nếu xảy ra cháy nổ mà còn là những biện pháp hữu hiệu phòng cháy nổ mà cơ quan quản lý chợ, các công ty bảo hiểm thực hiện để phòng ngừa, ngăn chặn hiểm họa có thể xảy ra.
THIÊN THANH
Đăng nhận xét