Posted by : Unknown 2 tháng 10, 2013

Theo thống kê của Tổng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, chỉ trong vòng 2 năm gần đây đã có hơn 4.300 vụ việc liên quan đến "tín dụng đen" được xử lý, trong đó có gần 2.000 vụ liên quan đến lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản...

Số tiền thiệt hại lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng. Tiếc rằng vẫn còn quá nhiều người trở thành nạn nhân của những "con bạch tuộc" tín dụng đen do ham lợi nhuận "khủng". Bài học cảnh giác vì thế cần lắm thay...

 

Trò lừa ma giáo

 

TAND tỉnh Quảng Ninh sắp đưa ra xét xử vụ án Bùi Thị Thu Hằng cùng đồng bọn lợi dụng danh nghĩa Công ty bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam để giăng bẫy tín dụng đen nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản. Thủ đoạn của Hằng và đồng bọn không mới, nhưng rất tiếc có quá nhiều nạn nhân sập bẫy bởi mất tỉnh táo do mức lãi suất "khủng" Hằng và đồng bọn đưa ra. Theo hồ sơ vụ án,  có tới 17 đối tượng bị cơ quan Cảnh sát điều tra chuyển Viện Kiểm sát đề nghị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền chiếm đoạt của hơn 60 bị hại lên tới trên 230 tỷ đồng. 

 

Siêu lừa Bùi Thị Thu Hằng làm việc tại cơ quan Công an (Ảnh: Dân Trí)

 

Bùi Thị Thu Hằng được Công ty bảo hiểm Prudential Việt Nam ký hợp đồng là đại lý bảo hiểm vào tháng 8/2009. Đến tháng 4/2010, thấy một số người tham gia bảo hiểm phàn nàn về thời gian đóng bảo hiểm quá dài và có nguyện vọng mua loại bảo hiểm có thời gian ngắn hơn, chóng thu hồi vốn hơn nên Hằng nảy ra ý đồ làm giả các hợp đồng bảo hiểm giả có lãi suất "khủng" để chiếm đoạt tài sản. Hằng giả mạo là Trưởng phòng Kinh doanh, rồi Giám đốc Văn phòng phát triển kinh doanh khu vực Quảng Ninh của Công ty Prudential để làm vỏ bọc nhằm mục đích tiếp cận các "khách hàng tiềm năng". Thủ đoạn của Hằng và đồng bọn là thuyết phục họ mua lại hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đã bị hủy ngang để duy trì tiếp các hợp đồng này, cho đến khi hết thời hạn hợp đồng sẽ được hưởng toàn bộ giá trị hợp đồng và nhận lãi suất 50-53%/năm. Hằng cũng thuyết phục khách hàng bỏ ra 100 triệu đồng mua gói bảo hiểm hưu trí thì mỗi tháng được nhận lương hưu từ 4-5,5 triệu đồng. Thông qua mối quan hệ, Hằng chào mời nạn nhân mua bảo hiểm ngắn ngày có lãi suất cao gọi là "Hợp đồng VIP". Do ham lãi suất "khủng", ngày càng có nhiều người huy động vốn của bạn bè, anh em họ hàng, người thân để tham gia mua bảo hiểm VIP. Thấy lãi mẹ đẻ lãi con, không ít trường hợp các cá nhân này đã nộp thêm nhiều tiền hơn để mua bảo hiểm có giá trị lên đến nhiều tỷ đồng mà chỉ nhận phiếu thu giả hoặc giấy biên nhận viết tay.

 

Dễ dàng kiếm bạc tỷ, Hằng liên tục quảng bá hình ảnh của mình, tạo dựng lòng tin với khách hàng qua các chiêu khuyến mại "sốc" như tặng xe máy giá trị cao, tri ân khách hàng, tổ chức các chuyến du lịch... Đến tháng 9/2011, khi vụ việc vỡ lở, đường dây sụp đổ và  Hằng cùng chồng bỏ trốn thì hàng trăm người mới biết mình bị lừa. Đáng tiếc các nạn nhân trong vụ án này nhiều người có địa vị xã hội, có trình độ song vẫn sập bẫy của Hằng bởi ham lãi suất cao. Vụ án gây xôn xao dư luận và đã để lại "dư chấn" hết sức phức tạp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Kẻ phạm tội sẽ bị Tòa tuyên án, nhưng chắc chắn thiệt hại về cả kinh tế và tinh thần không có ai khác, mà chính các nạn nhân trực tiếp là người gánh chịu.

 

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, Bộ Công an, trong 6 tháng đầu năm 2013, cả nước đã xảy ra 128 vụ lừa đảo, 124 vụ lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản liên quan đến tín dụng đen. Tội phạm từ tín dụng đen có 4 vụ giết người, 28 vụ cướp tài sản, 98 vụ cưỡng đoạt tài sản, 55 vụ hủy hoại tài sản. 

 

 

Hệ lụy khôn lường

 

Vụ án trên chỉ là một ví dụ điển hình và điều đó cho thấy một thực trạng rất đáng báo động về hoạt động của "tín dụng đen" đang tung hoàng tại nhiều địa bàn trên toàn quốc. Đáng nói là do không công khai, hoạt động theo kiểu "niềm tin", ai tham gia người nấy biết nên chỉ khi đổ vỡ, các cơ quan pháp luật mới hay biết thì đã muộn. Chính vì thế không dễ để có thể đưa ra con số chính xác các vụ tín dụng đen cho vay tiền với lãi suất "khủng", không có tài sản thế chấp và sự đảm bảo của pháp luật hiện đang hoạt động trên địa bàn cả nước hiện nay. Song thực tế từ các vụ đổ bể xảy ra cho thấy, số tiền trong các vụ vỡ nợ có chiều hướng ngày càng tăng, số nạn nhân mắc bẫy ngày càng nhiều, hệ lụy gây xáo trộn trong xã hội ngày càng phức tạp. Từ các vụ "vỡ hụi", sụp đổ các đường dây "tín dụng đen" là các vụ việc đơn giản thì đánh chửi nhau, phức tạp là xiết nợ, đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích, thậm chí là giết người, cướp tài sản... gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự.

 

Gần đây là vụ vỡ nợ của Trương Thị Hải Yến, Phó Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Phương Nam (Hà Nội) kéo dài hàng tháng trời, các chủ nợ tụ tập chĩa loa vào trường kêu gào bà Yến ra trả nợ. Sự tập trung đòi nợ của nhiều người dân tại cổng trường diễn ra vào những ngày đầu tập trung học sinh nên đã tạo dư luận không tốt trong nhân dân, đặc biệt gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho nhiều bậc phụ huynh, học sinh. Để ngăn chặn hành vi manh động của đám đông chủ nợ, hàng chục ngày ròng, lực lượng Công an phường Định Công (Hoàng Mai) phải cử cán bộ chiến sỹ cắm chốt để ổn định tình hình, trấn an tâm lý đám đông, giữ gìn ANTT ở khu vực này.

 

Nghiêm trọng hơn nữa, có trường hợp con nợ vì không có tiền trả, để loại trừ mối nguy cơ đã nghĩ cách sát hại chủ nợ như vụ án xảy ra tại Ninh Bình: Hiệp (là giáo viên) cùng vợ là Hoàng Thị Lư đã ra tay sát hại bà Nguyễn Thị Mai cùng trú tại tỉnh Ninh Bình, để trốn nợ khoản tiền trên 800 triệu đồng. Hoặc có vụ các con nợ khủng đã gây sức ép dẫn đến chủ nợ phải tự tử như vụ vụ Lò Thị Ngọc, 54 tuổi, giáo viên Trường Mầm non thị trấn Mường Chà (Điện Biên). Có vụ con nợ đã ra tay dẫn đến hành vi phạm tội như vụ Nguyễn Ngọc Sơn ở Gia Lâm-Hà Nội để đòi khoản vay 1,2 tỷ đồng đã dùng dao đâm vào đùi anh Nguyễn Thạc Vân, và dùng súng bắn nhiều phát vào cửa nhà con nợ gây sức ép đòi tiền gây náo loạn cả khu vực v.v.

 

Tình hình phức tạp trên có những nguyên nhân chủ quan khác nhau: như hiểu biết về pháp luật của phần lớn nạn nhân còn rất hạn chế, các quy định liên quan đến hoạt động vay, cho vay cũng như các phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm "tín dụng đen" còn chưa được tuyên truyền sâu rộng đến đông đảo người dân. Nhằm hạn chế, ngăn chặn tình trạng này ngoài sự vào cuộc tích cực của các cơ quan pháp luật, thì quan trọng hơn cả là ý thức cảnh giác của người dân. Luật sư Lê Thành Vinh khuyến cáo: trước sự hấp dẫn của lãi suất của các đầu mối "tín dụng đen", ai đó muốn tham gia thì hãy đặt câu hỏi "họ làm gì để có tiền trả lãi cao gấp nhiều lần so với lãi suất Ngân hàng Nhà nước quy định như thế?". Nếu không muốn "tiền mất tật mang" thì đừng có lao vào, đồng thời người dân có vốn dư thừa nên gửi vào quỹ tín dụng và ngân hàng, cần nguồn vốn kinh doanh cũng nên qua ngân hàng. 

 

Đừng nên hám lợi, liều lĩnh, bất chấp quy định của pháp luật mà hãy tránh xa "tín dụng đen" khi còn chưa quá muộn!

Án chung thân cho trùm "tín dụng đen"

 

Ngày 12/9, TAND TP Hà Nội đã mở lại phiên tòa xét xử và tuyên phạt tù chung thân đối với Đoàn Vũ Thanh Nghĩa, SN 1969, trú tại phường Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

 

Lợi dụng mối quan hệ quen biết từ trước với các chị Nguyễn Thị Kim Oanh, Vũ Bích Nga, Nguyễn Hoài Anh, Đỗ Thị Phượng và Vũ Thị Kim Dung (trú tại Hà Nội), Nghĩa đã nói với những người trên có khả năng mua được các cổ phiếu ưu đãi của các doanh nghiệp đang cổ phần hóa, chưa đưa lên sàn giao dịch (cổ phiếu OTC), chắc chắn sẽ lãi từ 5 - 10%.  Các chị Oanh, Nga, Hoài Anh, Phượng và Dung đã nhiều lần đưa tiền cho Nghĩa với số lượng lớn. Khi nhận tiền của các chị này, Nghĩa không mua cổ phiếu ưu đãi của các doanh nghiệp như đã hứa mà dùng tiền của người sau trả một phần tiền lãi cho người trước.

 

Theo lời khai của Nghĩa tại Cơ quan điều tra, tổng cộng Nghĩa đã chiếm đoạt của các bị hại gần 47 tỷ đồng và hiện không có khả năng thanh toán.

 

 

Thanh Chi

 

Từ khoá: phức tạp ngân hàng người dân khả năng thanh toán quảng ninh hợp đồng bảo hiểm nhân thọ tín dụng bảo hiểm nhân thọ cảnh sát hợp đồng lừa đảo trái pháp luật kinh doanh bảo hiểm bão tài sản cổ phiếu khách hàng tiềm năng công ty công ty bảo hiểm an ninh trật tự nạn nhân công ty bảo hiểm nhân thọ tội phạm khách hàng prudential việt nam pháp luật đồng bảo hiểm quy định tri ân khách hàng hợp đồng bảo hiểm bảo hiểm nhân thọ prudential prudential đại lý bảo hiểm công ty bảo hiểm prudential bảo hiểm prudential bảo hiểm hưu trí công ty bảo hiểm nhân thọ prudential tham gia bảo hiểm người tham gia bảo hiểm công an gói bảo hiểm gia mua bảo hiểm

Popular Post

Blog Archive

Được tạo bởi Blogger.

- Copyright © Tin Moi Online, Tin Tuc, Tin Moi, News, Tin Tong Hop