- Back to Home »
- Năm 2014: Điều chỉnh mức phạt về vi phạm giao thông
(CATP) Ngày 13-11-2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 171/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, thay thế cho các Nghị định 34, Nghị định 71. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1-1-2014. Sau khi ban hành, đã có nhiều ý kiến trái chiều về một số quy định mới bổ sung và đặc biệt một số lỗi, mức phạt giảm xuống.
Theo Nghị định 71, tại khoản 7 điều 8: phạt tiền từ 8 đến 10 triệu đồng đối với người điều khiển xe vi phạm một trong các hành vi sau đây: Điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 35 km/giờ; điều khiển xe đi ngược chiều trên đường cao tốc, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định; điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở; điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy...
Tuy nhiên trong nghị định mới 171/2013, các lỗi trên chỉ phạt tiền từ 7 đến 8 triệu đồng. Phạt tiền từ 300 đến 400 ngàn đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm như: Không giảm tốc độ và nhường đường khi điều khiển xe chạy từ trong ngõ, đường nhánh ra đường chính; không nhường đường cho xe xin vượt khi có đủ điều kiện an toàn; không nhường đường cho xe đi trên đường ưu tiên, đường chính từ bất kỳ hướng nào tới tại nơi đường giao nhau... Với các lỗi này trong mức phạt của nghị định cũ, phạt từ 300 đến 500 ngàn đồng, nặng hơn mức phạt tại nghị định 171/2013. Đặc biệt, mức phạt người điều khiển ôtô chở khách không gắn hộp đen hoặc có gắn nhưng thiết bị không hoạt động, đã giảm từ 2 - 3 triệu xuống còn 1 - 2 triệu đồng...
Nghị định 171/2013 thêm một số điểm mới như buộc khắc phục hậu quả, tháo dỡ công trình vi phạm về ATGT và đặc biệt là vấn đề đội mũ bảo hiểm. Phạt tiền từ 100 đến 200 ngàn đồng đối với người điều khiển, người ngồi trên xe đạp máy không đội "mũ bảo hiểm cho người đi môtô, xe máy", hoặc đội "mũ bảo hiểm cho người đi môtô, xe máy" không cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông; Chở người ngồi trên xe đạp máy không đội "mũ bảo hiểm cho người đi môtô, xe máy", hoặc đội "mũ bảo hiểm cho người đi môtô, xe máy" không cài quai đúng quy cách. Theo nhiều ý kiến so với nghị định cũ đây là một quy định sát thực tế vì lực lượng CSGT có thể xử phạt và chung tay làm giảm nạn MBH dỏm, giả đang núp bóng kiểu dáng MBH như hiện nay. Đồng thời quy định này nhằm triệt phá các đối tượng làm MBH dỏm "lách luật", mũ không đạt chuẩn bằng cách in tem dán trên mũ "mũ dành cho người đi bộ, đi xe đạp, chơi thể thao...".
Vấn đề "xe chính chủ" cũng được khẳng định lại trong nghị định mới. Đó là trong nghị định 71 áp dụng mức phạt 6 - 10 triệu đồng với ôtô và 1 triệu đồng với xe máy không sang tên đổi chủ. Trước những phản ánh của dư luận, Bộ GTVT cùng Bộ Công an và Bộ Tư pháp tổ chức cuộc họp và đồng thuận, bổ sung vào quy định xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện để bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước, quyền và nghĩa vụ hợp pháp của chủ phương tiện. Theo đó, chủ ôtô khi mua, được tặng cho, được thừa kế... mà không sang tên sẽ bị phạt từ 1 - 2 triệu đồng với cá nhân, 2 - 4 triệu đồng với tổ chức; mức phạt cho việc không sang tên, đổi chủ xe máy là 100 - 200 ngàn đồng và 200 - 400 ngàn đồng. Áp dụng việc xử lý và mức phạt này từ ngày 1-1-2015 với phương tiện ôtô, từ 1-1-2017 đối với môtô, xe máy.
Nhiều ý kiến cho rằng giảm mức tiền phạt sẽ dẫn đến tăng vi phạm giao thông, nhất là trong bối cảnh thực trạng giao thông và lượng xe máy tăng nhanh như hiện nay. Tuy nhiên có ý kiến cho rằng, sau thời gian áp dụng mức phạt cao, tình hình giao thông biến chuyển vẫn không nhiều như mong đợi, bởi chính cái gốc vấn đề là giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông và văn hóa giao thông của người dân, chứ không phải ở mức chế tài cao.
Đăng nhận xét