Posted by : Unknown 20 tháng 11, 2013

GiadinhNet - Trong điều trị khám, chữa bệnh rủi ro y khoa là điều khó tránh khỏi và không ai mong muốn. Ngày 19/11, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức cuộc Tọa đàm: "Giảm thiểu các tai biến trong y khoa" với khách mời là đại diện lãnh đạo Bộ Y tế và một số bệnh viện cấp tỉnh, Trung ương.

Tai biến y khoa: Cần có bảo hiểm nghề nghiệp cho bác sĩ 1

Buổi tọa đàm có sự tham gia của nhiều khách mời là đại diện Bộ Y tế, lãnh đạo một số bệnh viện từ Trung ương đến cơ sở.

Ảnh: Hoài Nam

 

Tai biến xảy ra bất cứ lúc nào

Tại buổi tọa đàm, GS.TS Bùi Đức Phú- Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho rằng, có nhiều nguy cơ như quá tải bệnh viện cũng là một yếu tố dẫn đến tai biến y khoa, có những bác sĩ, một ngày tham gia vài ca mổ nhưng cũng có khi phải túc trực hàng chục ca mổ một ngày nên rất căng thẳng. Sai sót y khoa thường do lỗi hệ thống và lỗi cá nhân. Lỗi hệ thống thường là do thiếu quản lý, giám sát, thiếu trang thiết bị... Nhiều khi dư luận luôn tìm lỗi cá nhân mà không xét đến lỗi hệ thống. Riêng lỗi cá nhân là do hệ thống đào tạo chưa tốt, ý thức kém, thiếu môi trường thực hành.

"Nếu ở nước ngoài, mỗi bệnh nhân được khám và tư vấn 30 phút, còn Việt Nam thì do quá tải nên 5-10 phút là có thể khám xong một bệnh nhân. Ngoài ra, môi trường ô nhiễm cao, kiểm soát nhiễm khuẩn khó thực thi- đây cũng là một yếu tố dẫn đến tai biến y khoa...", GS Phú cho biết.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế - PGS.TS Nguyễn Viết Tiến, mặc dù có nhiều tai biến sản khoa nghiêm trọng đã xảy ra trong thời gian qua, tuy nhiên, xét về tổng thể thì Việt Nam đã có nhiều tiến bộ, được thế giới đánh giá là 1 trong 9 nước tiến bộ nhất châu Á. Trong gần 2 năm qua, báo chí thống kê có gần 200 trường hợp tử vong mẹ khi sinh nhưng cách đây 10 năm, tai biến sản khoa cao gấp 3 lần hiện nay, có nhiều trường hợp là bất khả kháng.

Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến khẳng định, không chỉ Việt Nam mà trên thế giới, tỉ lệ tai biến là không thể tránh khỏi. 

"Nhiều cơ sở y tế tư nhân quảng cáo quá khả năng cũng khiến cho tai biến dễ xảy ra. Trong ngành y, bác sĩ không chỉ trông chờ vào kinh nghiệm, tuổi nghề mà họ phải học hỏi và cập nhật thường xuyên những phương pháp, kỹ thuật mới. Thậm chí một bệnh không thể uống những loại thuốc mà trước đây được cho là tốt nhất. Có những phương pháp tối ưu của nhiều năm trước nhưng đến nay mà áp dụng lại quá lạc hậu. Vì vậy, thực tiễn luôn luôn mới mẻ, đòi hỏi người thầy thuốc phải bắt kịp mới đem lại hiệu quả cao trong điều trị. Khi xảy ra tai biến, nên tìm lỗi hệ thống ở đâu, khâu nào để khắc phục. Nên chia sẻ, động viên và tìm hiểu nguyên nhân do đâu thì mới giải quyết tận gốc vấn đề", Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến chia sẻ.

 

Áp lực đối với bác sĩ

Theo GS.TS Bùi Đức Phú, các nước phát triển họ có Hội nghề nghiệp bảo vệ, đứng ra phân giải và phải đóng bảo hiểm. Và cũng chính Hội nghề nghiệp đó cấp cho các cá nhân giấy phép hành nghề. Ở các bệnh viện tại Việt Nam chưa có luật sư như nước ngoài. Bác sĩ chưa được đóng bảo hiểm nghề nghiệp.

Hầu hết các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực y tế đều cho rằng, nghề y là nghề không tránh được rủi ro, đặc biệt trong môi trường làm việc với cường độ cao, vì số lượng bệnh nhân quá tải. Có những trường hợp bác sĩ tuân thủ phác đồ điều trị chuyên môn nhưng rủi ro ngoài ý muốn vẫn xảy ra. Vì vậy, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp bác sĩ là hết sức cần thiết để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho họ. Ở các quốc gia phát triển, 100% bác sĩ có bảo hiểm nghề nghiệp. Tại Việt Nam, quy định này chỉ mới có hiệu lực từ ngày 1/1/2012. Tuy nhiên, từ đó đến nay do nguồn kinh phí hạn hẹp nên hầu hết các bệnh viện trên cả nước chưa thực hiện quy định này.

Trong cuộc tọa đàm, BS Phạm Cầm Kỳ, Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Ninh Bình cũng chia sẻ: Vừa qua, bệnh viện đã nỗ lực mua bảo hiểm cho các bác sĩ sản khoa của bệnh viện, chi phí cũng không quá cao.

Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cho rằng, không ít bác sĩ, nhân viên bị bệnh lý nguy hiểm do tai nạn nghề nghiệp như bị lây lao kháng thuốc, HIV trong quá trình điều trị cho bệnh nhân. Có những người quá căng thẳng còn bị đột quỵ trong phòng mổ. Có bác sĩ tự tử do sức ép từ gia đình bệnh nhân sau khi chữa cho bệnh nhân có những biến chứng. Nhiều bác sĩ ngoại khoa đã rời dao mổ dù từng phẫu thuật cả nghìn ca thành công, nhưng khi chỉ một ca tai biến là áp lực dồn đến khiến họ không thể chịu nổi. Vì vậy, làm sao giữa bệnh nhân và bác sĩ có sự chia sẻ, thông cảm cũng góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Theo PGS.TS Bùi Đức Phú, tới đây cần phải xây dựng quy chuẩn trong hành nghề. Ở các nước phát triển, họ có những bộ câu hỏi cho bệnh nhân, trước khi phẫu thuật hay can thiệp y khoa họ phải đọc bộ câu hỏi này và kí tên vào- đây cũng là cách tôn trọng bệnh nhân và cũng là những bằng chứng nếu không may xảy ra kiện tụng.

 

Tri Thường

Từ khoá: bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp thứ trưởng bão bệnh viện trách nhiệm nghề nghiệp bảo hiểm trách nhiệm phát triển việt nam trang thiết bị cá nhân bảo hiểm nghề nghiệp bảo hiểm mua bảo hiểm nguyễn viết tiến môi trường khám chữa bệnh bệnh nhân bảo vệ quyền lợi gia nghề nghiệp nâng cao chất lượng đồng bảo hiểm bất khả kháng rủi ro đặc biệt

Popular Post

Blog Archive

Được tạo bởi Blogger.

- Copyright © Tin Moi Online, Tin Tuc, Tin Moi, News, Tin Tong Hop