Posted by : Unknown 19 tháng 11, 2013

Nông trường Rạng Đông từng có một lịch sử oai hùng, gắn với thời cả nước xây dựng nông lâm trường. Hơn nửa thế kỷ về trước, đoàn quân chân dép lốp, vai ba lô, ngực hừng hực khí thế người cộng sản hành quân về bãi biển hoang huyện Nghĩa Hưng quai đê, vượt đất...

>> Lay lắt số phận nông lâm trường

Khẩu hiệu lúc bấy giờ là"Bắt sóng bạc phải cúi đầu. Buộc biển sâu phải lùi bước. Lấn biển Thái Bình Dương. Làm giàu cho tổ quốc". Lấy sức trẻ, tay trần và máu nóng để chống lại sóng bạc đầu, họ đã lập nên kỳ tích. Lương Viêm - chiến sĩ trung đoàn 269 và Mai Thị Bình - dân quân huyện Hải Hậu đã lấy thân mình chặn dòng nước xoáy để đồng đội lấp đất trong ngày triết giang, hàn khẩu, hi sinh trước khi thấy nông trường được tượng hình.

Anh hùng lực lượng vũ trang thời chống Mỹ rồi Huân chương Lao động hạng Nhất, những tấm huân, huy chương gắn lấp lánh trên "ngực" nông trường Rạng Đông thủa nào nay là công ty TNHH một thành viên nông nghiệp Rạng Đông (Nghĩa Hưng, Nam Định).

Sự cứng nhắc ngộp thở

Tôi khoác ba lô về Rạng Đông trên cung đường của tiền nhân thủa nào đi lập đất... Ba giờ chiều, nhà văn hóa đội 6 (thuộc công ty TNHH một thành viên nông nghiệp Rạng Đông) vắng lặng lạ thường, chỉ có kế toán đội Ngô Thị Phương Loan túc trực chờ thu sản.

Tiếng giở sổ sách soàn soạt hòa thanh cùng tiếng cót két của cái quạt máy cũ kỹ. Kế hoạch của đội 6 đề ra phải thu sản róc trong 20 ngày. Chờ mãi cũng có người đến nộp sản nhưng không phải công nhân mà là một người nhà đóng hộ cô chị đang làm ăn xa tận mãi Cát Bà, Hải Phòng.

Trụ sở nông trường Rạng Đông vắng hoe

Khoảng 40% công nhân ở đội 6 không trực tiếp cấy lúa, nuôi cá trên mảnh đất mình được khoán mà đi làm ngoài rồi nộp bảo hiểm như vậy. Lực lượng này gọi là công nhân từ xa, dăm ba tháng, thậm chí cả năm mới về thăm nhà, thăm con rồi lại nhoáng nhoàng đi.

Đội 6 có trên 100 ha đất canh tác, 39 công nhân, một đội trưởng và một kế toán cùng 340 hộ nông dân ngoài. Trung bình một công nhân được giao 2.000m2 lúa và 1.000m2 cói và phải đóng mức sản khoảng trên dưới 1 tạ thóc/1.000m2/vụ tùy vào chủng loại đất. Trần Thị Vui làm công nhân từ năm 2005.

Công thức hồi đó nông trường giao cho mỗi công nhân phải sản xuất đủ 2.000m2 lúa, 1.000m2 cói, 1.000m2 dâu màu không cần biết hiệu quả thực sự của chúng đến đâu. Người lao động khi đã nhận đất không được tự ý chuyển đổi từ cây trồng này sang cây trồng khác ngoài mấy thứ đã "đóng đinh" kia. Bốn năm ròng Vui phải bù lỗ cho cây cói, cây dâu vì năng suất kém cộng với giá bán rẻ mạt. Về sau, công thức được tính linh hoạt, mềm dẻo và dễ thở cho công nhân hơn.

Theo quy định mỗi công nhân phải có 240 công một năm. Số công ấy được tính trên mỗi 1.000m2 đất được giao khoán. Đất nuôi thủy sản có công thấp nhất, đất lúa có công vừa, đất cói có công cao (trong tính công cho cây cói lại phân ra công chăm sóc cói mới và công chăm sóc cói cũ khác nhau).

Cộng tất tần tật đủ 240 công là đạt yêu cầu, còn nếu người nào đổi từ cói sang lúa hoặc thủy sản sẽ bị thiếu công. Người thiếu công không được xét lao động tiên tiến, không được tăng lương (dù chỉ là "lương héo" chứ không phải là "lương tươi" vì người lao động không bao giờ được lĩnh tiền mà chỉ có thu, đến lúc về hưu mới biết đến mặt của đồng tiền lương). Ai thiếu công cũng phải nhao nhao lên tìm người có công thừa để mua.

Nếu mua được tận gốc của công nhân cùng tổ thì giá mỗi công khoảng 35.000đ, mua ở đằng ngọn của ai đó có chút quyền chức trong đội, giá mỗi công đội lên có khi đến 50.000đ. Công nhân nào thiếu dăm ba chục công mỗi năm phải bỏ từ 1-1,5 triệu đồng để mua công. Gần đây, công nhân nhận khoán nhiều đất hầu như đều dư công, thị trường mua bán công ngầm tự nhiên dẹp bỏ...

Mấy năm nay, sản xuất lúa kém hiệu quả do đất trũng, nghèo dinh dưỡng, vụ trước nhà chị Vui không thu nổi một hạt thóc, vụ này chỉ khoảng mấy bao nên phần xin trả lại phần xin chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản tuy nhiên hướng chuyển đổi chưa nhận được hồi âm.

Công nhân đi làm ăn xa chia ra hai loại. Loại đi nhưng gửi đất khoán nhờ người thân làm hộ, gửi suất họp hành nhờ người thân dự hộ, gửi tiền đóng bảo hiểm thì mức đóng cũng như công nhân đang làm ruộng trực tiếp nhưng thường không được xét nâng lương.

Loại đi nhưng không nhận đất khoán mà chỉ xin gửi đóng bảo hiểm thì mức đóng cao hơn nhiều, trung bình mỗi tháng mất tầm tiền triệu. Bên cạnh công nhân trực tiếp, mỗi đội sản xuất còn có lao động gián tiếp là các đội trưởng và kế toán. Riêng về kế toán đội có đội không nhưng đội trưởng thì đội nào cũng có. Họ được nhận "lương tươi" hàng tháng với nhiệm vụ thu sản, thu tiền bảo hiểm của công nhân trong đội.

"Một chế độ có hai vua"

Ngoài công nhân, trên đất của nông trường Rạng Đông cũ còn có một lực lượng nông dân đông đảo canh tác khoán. Những nông dân này phần đa có hộ khẩu ở thị trấn Rạng Đông với tiêu chuẩn ruộng chỉ 550m2 và mức sản ngang công nhân.

Gặp những người này, tôi được nghe những lời phàn nàn về "một chế độ có hai vua" như sau: Nông dân chúng tôi cũng như nông dân ở trong làng đều nhận ruộng trên mỗi đầu khẩu nhưng mức khoán ở đây cao còn trong làng chẳng mất gì. Cấy ruộng của nông trường thì thị trấn không có quyền hành gì để can thiệp vào trong khi các khoản đóng góp xã hội thị trấn vẫn thu đều.

Nói thực, không có sản nông dân nhiều nơi đã không muốn làm ruộng rồi. Đằng này lại còn bắt đóng góp nên nhiều người bỏ hoang ruộng đất, không nộp sản khiến cho các ông đội trưởng phải sốt vó lo người đi cấy phủ xanh đất trống kẻo bị mấy sếp ở trên "cạo".

Cảnh thu hoạch cá ở Rạng Đông

Tôi gặp ông Đỗ Thanh Hải - Chủ tịch Cty và được ông tóm tắt như sau: Cty có 1.003 ha đất trong đó 878 ha đất nông nghiệp với 9 đội sản xuất, số lao động gián tiếp là 33 người, bình quân thu nhập lúa 55-60 triệu/ha, thủy sản nước ngọt 120 triệu/ha, thủy sản nước mặn 200 triệu/ha.

Từ tháng 10 năm 2010 Nông trường Rạng Đông chuyển sang mô hình công ty TNHH một thành viên nhưng về bản chất không có gì thay đổi nhiều. 100% vốn vẫn thuộc về nhà nước. Quản lý sử dụng đất vẫn như cũ. Theo như quy định đơn vị phải chuyển sang chế độ thuê đất bằng cách rà soát lại quỹ đất, diện tích kém hiệu quả giao trả địa phương, diện tích còn lại thực hiện thuê của nhà nước.

Nhưng vì tỉnh chưa có hướng dẫn vả lại để khoán vẫn có lợi hơn nên tình trạng quản lý đất chưa có thay đổi. Về ngành nghề sản xuất kinh doanh Cty mới chỉ chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp từ cói, dâu, lúa sang thủy sản và lúa, có dịch vụ đầu vào như vốn, vật tư, kỹ thuật còn dịch vụ đầu ra thì chưa nên mục tiêu làm "bà đỡ" cho nông sản toàn vùng rất mờ mịt.

Ông Đỗ Thanh Hải-Chủ tịch công ty

Hỏi chuyện công nhân đi làm xa rồi gửi bảo hiểm ông Hải bảo đúng là lãnh đạo Cty tạo điều kiện cho họ vì đặc thù là sản xuất nông nghiệp có mùa vụ và để họ tăng thu nhập dù biết là sai luật. Hỏi chuyện bỏ hoang đất ruộng, ông thông tin năm 2011 có trên 20 ha nay chỉ còn khoảng 4 ha vì đã huy động, vận dụng nhiều cách để phủ xanh.

Hỏi chuyện giải thể những nông trường yếu kém theo dạng chỉ phát canh thu tô, ông bảo đằng sau cái tên là mấy trăm con người lao động. Hiệu quả hay không có nhiều góc nhìn đánh giá khác nhau nhưng các nhiệm vụ chính trị được giao Rạng Đông thực hiện đầy đủ ở các thời kỳ.

Vốn nhà nước được bảo toàn và phát triển. Chế độ chính sách người lao động được đảm bảo, thu nhập của người lao động chưa cao nhưng ổn định. Đơn vị có lãi và tái đầu tư cho sản xuất mỗi năm cỡ 300-400 triệu. Phát canh thu tô là chỉ giao mỗi đất rồi mặc kệ, cứ thế mà thu sản nhưng ở Rạng Đông không có chuyện ấy.

Tiền vốn của nhà nước đã đầu tư cho hệ thống cơ sở hạ tầng phải lấy lại để tái đầu tư, sản xuất. Bảo hiểm của công nhân lấy ở đâu? Cũng từ thu sản. Chuyện nông dân ở làng được ưu ái còn nông dân nhận đất nông trường phải nộp sản là lẽ đương nhiên vì gánh chịu những khoản khấu hao tài sản trên đất. Chỉ khi nào chuyển sang chế độ thuê đất, diện tích đất còn lại trả về cho địa phương mới giải quyết tận gốc vấn đề này.

"Cổ phần hóa cho các Cty TNHH một thành viên là cần thiết nhưng cơ chế phải thông thoáng. Những tài sản nào còn sử dụng hiệu quả như trụ sở, chuồng trại, nhà xưởng... nên tạo điều kiện cho Cty mua lại tiếp tục duy trì sản xuất.

Những tài sản nào gắn liền với diện tích đất mà Cty được thuê nên bán lại cho Cty. Những tài sản nào gắn liền với diện tích đất trả lại cho địa phương nên giao cho địa phương quản lý", ông Hải tâm tư.

Từ khoá: sản xuất nông nghiệp tiền bảo hiểm hiệu quả kế toán công nhân lao động nhà nước huân chương lao động nông nghiệp đồng bảo hiểm nông dân người lao động bão công ty bảo hiểm tài sản gia

Popular Post

Blog Archive

Được tạo bởi Blogger.

- Copyright © Tin Moi Online, Tin Tuc, Tin Moi, News, Tin Tong Hop