Posted by : Unknown 8 tháng 11, 2013

(PetroTimes) - Khẳng định Bảo hiểm y tế (BHYT) là một chính sách an sinh xã hội quan trọng, Quốc hội đề nghị hệ thống chính trị, các tổ chức quốc tế và mỗi người dân ủng hộ và tham gia để mở rộng BHYT, tiến tới BHYT toàn dân.

Báo cáo giám sát, thẩm tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nguồn thu BHYT tăng nhanh qua các năm, từ 13.037 tỉ đồng (2009), 25.581 tỉ đồng (2010) đã lên đến 40.237 tỉ đồng (2012). Chi BHYT cũng tăng qua các năm, từ 15.481 tỉ đồng (2009), 19.686 tỉ đồng (2010), 25.564 tỉ đồng (2011) đến 35.584 tỉ đồng (2012). Quỹ BHYT từ chỗ lũy kế bội chi đến năm 2009 là 3.083 tỉ đồng đã cân đối và có kết dư, lũy kế đến năm 2010 kết dư khoảng 2.810 tỉ đồng và lũy kế đến năm 2012 kết dư 12.892 tỉ đồng.

Việc kết dư quỹ được lý giải do sau khi Luật BHYT có hiệu lực, đối tượng được ngân sách hỗ trợ tham gia BHYT được mở rộng, mức đóng BHYT tăng từ 3% lên 4,5%, cùng với lương tối thiểu tăng nhiều lần trong những năm qua trong khi viện phí hầu như không thay đổi, đồng thời công tác quản lý quỹ BHYT cũng ngày càng tốt hơn.

Nhiều tỉnh miền núi và Tây Nguyên có số kết dư quỹ BHYT khá cao. Có tỉnh kết dư hàng trăm tỉ đồng, đây là địa bàn gần đạt 100% dân số có BHYT. Tuy nhiên, do dân cư phân tán, giao thông khó khăn, xa bệnh viện, ít kỹ thuật y tế hiện đại nên người bệnh ít tiếp cận dịch vụ y tế dẫn đến quỹ BHYT kết dư lớn.

(Ảnh minh họa)

Được biết quỹ BHYT chi trả khám chữa bệnh (KCB) nội trú tại bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh gần 2 triệu đồng/ca bệnh, song có tỉnh là 1 triệu đồng, cá biệt có tỉnh là 4 triệu đồng/ca bệnh, trong khi trình độ chuyên môn kỹ thuật và dịch vụ y tế giữa các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh không thể có sự chênh lệch đến mức gấp 3-4 lần. Tại tuyến xã, năm 2012, chi phí KCB BHYT bình quân cả nước là 42.000 đồng/lần, trong khi có tỉnh là 100.000 đồng/lần

Trước những tồn tại trên, đồng thời xác định BHYT là một trong những trụ cột của chính sách an sinh xã hội, là cơ chế tài chính góp phần xây dựng nền y tế công bằng, hiệu quả và phát triển; tiếp tục hoàn thiện pháp luật về BHYT và dành ngân sách để hỗ trợ và huy động người dân tham gia để mở rộng BHYT, Quốc hội đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, các tổ chức xã hội, các tổ chức quốc tế và mỗi người dân ủng hộ và tham gia để mở rộng BHYT, tiến tới BHYT toàn dân.

Quốc hội yêu cầu đến năm 2015 phải đạt 75% dân số tham gia BHYT và năm 2020 đạt 80% dân số tham gia BHYT vào năm 2020. Trước năm 2016, hoàn thiện việc quy định gói quyền lợi khám chữa bệnh BHYT cơ bản, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, ngân sách và mức đóng BHYT; trước năm 2020, hoàn thành lộ trình chuyển từ chi ngân sách nhà nước trực tiếp cho cơ sở khám chữa bệnh sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT gắn với lộ trình tính đúng, đủ giá dịch vụ y tế.

Đồng thời, Quốc hội cũng tiếp tục chấn chỉnh công tác KCB, nâng cao y đức và nâng cao chất lượng KCB cho bệnh nhân có BHYT, trước năm 2018 phải giảm thủ tục hành chính trong khám chữa bệnh, giám định và thanh, quyết toán BHYT; tiếp tục đầu tư cho tuyến y tế cơ sở, từ năm 2015 giảm dần tình trạng quá tải tại bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến Trung ương, trước năm 2020 giảm 50% tình trạng quá tải bệnh viện.

Lê Tùng

Từ khoá: dịch vụ chữa bệnh gia khám chữa bệnh người dân nâng cao chất lượng quản lý quỹ bệnh viện thủ tục hành chính mở rộng

Popular Post

Blog Archive

Được tạo bởi Blogger.

- Copyright © Tin Moi Online, Tin Tuc, Tin Moi, News, Tin Tong Hop