Posted by : Unknown 8 tháng 11, 2013

Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai nhận định sau khi thực hiện giám sát chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2009-2012.

Theo kết quả giám sát của UBTVQH, qua gần 4.500 lượt kiểm tra tại các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) BHYT đã phát hiện nhiều sai phạm, đặc biệt là việc lạm dụng thuốc, lạm dụng xét nghiệm và đã yêu cầu xuất toán 149 tỷ đồng, một số trường hợp vi phạm pháp luật đã bị xem xét xử lý hình sự.

Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội của Quốc hội

Một số địa phương đã xử lý những trường hợp vi phạm nghiêm trọng như tại thành phố Hồ Chí Minh (vụ việc tại Bệnh viện Chợ Rẫy đã được đưa ra xử tại tòa án), Kiên Giang (vụ vi phạm về BHYT tại 8 bệnh viện đã xử lý kỷ luật 7 cán bộ y tế, chuyển cơ quan điều tra vụ việc liên quan tới 3 cán bộ, thu hồi nộp ngân sách trên 192 triệu đồng), Điện Biên (thanh tra trên 200 đơn vị sử dụng lao động và gần 70 cơ sở KCB, đã xử lý kỷ luật 1 bác sỹ và thu hồi gần 270 triệu đồng cho quỹ BHYT)...

Tuy nhiên, những trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHYT lại chưa được Bộ Y tế,  các bộ ngành và UBND các cấp quan tâm xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai, BHXH là lực lượng chính trong kiểm tra phát hiện sai phạm về BHYT ở các cơ sở KCB, hiện nay chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành trong thanh tra, kiểm tra. Bên cạnh việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra cần phải xây dựng cơ chế tự quản, tự giám sát của các bệnh viện cũng như tăng cường công tác thanh tra của chính quyền địa phương. 

Đoàn giám sát cũng đưa ra nhận định, công tác thanh tra của các ngành y tế, LĐ-TB&XH, tài chính và UBND các cấp còn hạn chế, kết quả mờ nhạt, chưa chủ động phát hiện các vấn đề vi phạm trong quá trình tổ chức thực hiện. Công tác kiểm tra của BHXH Việt Nam chưa thường xuyên với hàng ngàn bệnh viện tham gia KCB BHYT.

Việc tổ chức y tế địa phương sắp xếp chưa phù hợp, nhất là tuyến huyện và xã, bộ máy y tế tuyến huyện bị chia tách thành 4 đầu mối, làm phân tán nguồn lực, khó phối hợp trong công tác, vướng mắc trong chỉ đạo.

Theo đánh giá của đoàn giám sát, trong khi tỷ lệ bao phủ BHYT bình quân cả nước là gần 70% thì vẫn còn một số địa phương có tỷ lệ tham gia BHYT thấp. Chất lượng KCB BHYT ở tuyến dưới chưa đáp ứng yêu cầu do hạn chế về nhân lực chuyên môn và kỹ thuật y tế đã gây nên tình trạng quá tải, chờ đợi lâu ở các bệnh viện tuyến trên.

Ngoài ra, bà Mai cũng đưa ra nhận định: "Tinh thần thái độ và y đức của cán bộ y tế chậm cải thiện đã tạo tâm lý lo ngại đối với người tham gia BHYT và BHXH".

Cùng ngày Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng ban hành nghị quyết về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, tiến tới BHYT toàn dân.

Qua đó, đến năm 2015 đạt 75% dân số tham gia BHYT và năm 2020 đạt 80% dân số tham gia BHYT. Trước năm 2016, hoàn thiện việc quy định gói quyền lợi khám chữa bệnh BHYT cơ bản, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, ngân sách và mức đóng BHYT; trước năm 2020, hoàn thành lộ trình chuyển từ chi ngân sách nhà nước trực tiếp cho cơ sở khám chữa bệnh sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT gắn với lộ trình tính đúng, đủ giá dịch vụ y tế.

Ngoài ra nghị quyết cũng nhấn mạnh đến việc chấn chỉnh, nâng cao y đức và nâng cao chất lượng KCB BHYT. Trước năm 2018 hoàn thành ứng dụng công nghệ thông tin để giảm thủ tục hành chính trong khám chữa bệnh, giám định và thanh, quyết toán BHYT.

Nghị quyết cũng đưa ra chủ trưởng tiếp tục đầu tư cho tuyến y tế cơ sở, từ năm 2015 giảm dần tình trạng quá tải tại bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương, trước năm 2020 giảm 50% tình trạng quá tải bệnh viện.

Từ khoá: khám chữa bệnh gia công nghệ thông tin nâng cao chất lượng chữa bệnh thủ tục hành chính pháp luật vi phạm bhxh bệnh viện kiểm tra

Popular Post

Blog Archive

Được tạo bởi Blogger.

- Copyright © Tin Moi Online, Tin Tuc, Tin Moi, News, Tin Tong Hop