- Back to Home »
- Cảm hứng thơ ca về Tổ quốc không bao giờ cũ!
việt nam
QĐND - Bài thơ "Chúng con chiến đấu cho Người sống mãi Việt Nam ơi!" (xin viết gọn "Chúng con chiến đấu...") của nhà văn Nam Hà được ông hoàn thành năm 1966. Gần 50 năm đã trôi qua, đất nước không còn chiến tranh, nhưng cảm hứng về Tổ quốc trong tôi thì không hề cũ qua bài thơ này.
Vào một chiều tôi đến thăm nhà văn Nam Hà ở phố Lý Nam Đế (Hà Nội), tôi hỏi ông về bài thơ "Chúng con chiến đấu...", ông kể, ông bắt đầu viết bài thơ khi cùng đồng đội đang trên đường Trường Sơn vào Nam chiến đấu năm 1964. Trên con đường huyền thoại, ông và đồng đội đang đi vào nơi ác liệt nhất nhưng cũng là hào hùng nhất. Tự nhiên trong tâm trí ông lịch sử dân tộc hiện ra hào hùng đậm nét. Nhà văn chọn cách viết bài thơ theo nhịp như hành khúc của người lính. Xúc cảm dâng trào và những dòng thơ được viết ra.
Nhưng nhà văn viết được mấy đoạn thì tắc. Bài thơ dang dở. Đến tháng 6-1966, Nam Hà tham gia một trận đánh ở Bình Thuận. Trận này địch đông gấp nhiều lần ta, nhưng đơn vị ông thắng trận. Các chiến sĩ mặt mày nhem nhuốc, quần áo tả tơi nhưng ai cũng tươi cười, mặt rạng rỡ. Anh em nhảy xuống suối tắm, còn ông ngồi ở gốc cây đa trên bờ làm bài thơ về trận đánh vừa kết thúc. Làm xong, ông thấy có một cái gì đó thôi thúc ông viết tiếp. Và ông đã viết liền một mạch xong bài thơ "Chúng con chiến đấu..." bỏ dở hai năm trước. Cả bài thơ có 54 câu, chỉ sửa có hai từ. Lúc đầu tên bài thơ là "Chúng con chết cho Người sống mãi Việt Nam ơi!". Người cán bộ đại đội góp ý, nên thay từ "chết" bằng từ "chiến đấu". Bài thơ đã được sửa ngay lúc đó: "Chúng con chiến đấu cho Người sống mãi Việt Nam ơi!", hay hơn nhiều. Ông nhờ cơ quan TTXVN ở khu 6 đánh tê-lê-típ gửi ra Bắc, được đăng trên Báo Nhân Dân. Một đêm nghe chương trình "Tiếng thơ" của Đài Tiếng nói Việt Nam, ông nghe nghệ sĩ Linh Nhâm ngâm bài thơ của mình. Nam Hà vui sướng vô cùng! Vậy là bài thơ của ông đã được đăng tải, phổ biến rộng rãi. Sau bài này ông viết tiếp được hơn 40 bài, tập hợp, in thành tập thơ " Khi Tổ quốc gọi lên đường" (NXB Giải phóng, 1976), trong đó bài "Chúng con chiến đấu..." có sức vang xa.
Nhà văn Nam Hà tâm sự, ông có những kỷ niệm sâu sắc về bài thơ "Chúng con chiến đấu...". Một trong những kỷ niệm đó, là vào năm 1973, theo Hiệp định Paris, ta và địch trao trả tù binh. Hôm đó ông có mặt ở sân bay Phú Bài. Một chiếc máy bay vận tải C130 của Mỹ hạ cánh xuống sân bay. Anh em tù Côn Đảo của ta được trao trả, mừng vui khôn xiết! Ông được giới thiệu với mọi người "Đây là nhà văn Nam Hà". Nghe vậy, anh em tù chính trị ôm lấy ông. Họ cảm ơn ông không ngớt. Nam Hà rất ngạc nhiên: "Tôi đã làm được gì đâu mà các đồng chí cám ơn!?". Họ nói rằng: Trong chuồng cọp địa ngục trần gian Côn Đảo, tù nhân nghe được bài thơ "Chúng con chiến đấu..." qua những chiếc đài con được gửi vào bí mật. Anh em thuộc bài thơ, khi bọn cai ngục đưa họ đi tra tấn, trên đường đi họ hát bài thơ: Đất nước/ Của những người con gái con trai/ Đẹp như hoa hồng cứng hơn sắt thép/ Xa nhau không hề rơi nước mắt/ Nước mắt để dành ngày gặp mặt. Lần khác, vào những năm 80 thời bao cấp, nhà văn Nam Hà xếp hàng mua vé ở bến xe Vinh đi Hà Nội. Ông có thẻ thương binh được ưu tiên mua vé. Đến lượt nhà văn, nhân viên bán vé xướng lên "Nam Hà". Mọi người ồ lên : "Nam Hà, nhà thơ! Đọc cho chúng tôi nghe bài thơ Chúng con chiến đấu... đi!". Nam Hà liền đọc ngay bài thơ. Mọi người vây quanh vỗ tay reo hò! Có ông bảo chính vì bài thơ mà ông hăng hái lên đường tòng quân. Đây là niềm hạnh phúc lớn lao, một phần thưởng vô giá cho tác giả bài thơ "Chúng con chiến đấu...".
NGUYỄN MINH NGUYÊN
việt nam
Đăng nhận xét