- Back to Home »
- Tết vắng chồng nhưng không... quạnh nhà
gia bão gia đình điện thoại
QĐND Online - Đầu xuân, những cánh mai nở bung khoe sắc vàng rực rỡ, thoảng mùi thơm nhè nhẹ xen lẫn hương vị của Tết phươngNam. Trong căn nhà nhỏ ở "làng quân nhân" thuộc phường 1, TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), một phụ nữ tuổi trạc tứ tuần đang nói cười vui nhộn. Bên cạnh chị là hai cậu con trai, thỉnh thoảng lại mỉm cười dõi theo câu chuyện của mẹ. Người phụ nữ ấy là chị Vũ Thị Tươi, vợ của Trung tá Bùi Xuân Hoạt, Chính trị viên nhà giàn DK1/10. Chị đang gọi điện chúc Tết chồng cùng đồng đội của anh đang làm nhiệm vụ giữa đại dương...
Thay chồng lo Tết
Biết anh vắng nhà, vừa bước vào cổng tôi đã "lớn tiếng" chúc Tết chị như để thông báo sự có mặt của mình. Ra cửa đón khách, chị Tươi cười xởi lởi: "Đầu năm được nhà báo xông đất chắc cả năm gia đình tôi may mắn lắm!". Tiếng cười của chị như xua đi chút bỡ ngỡ ban đầu. Và câu chuyện về tổ ấm yêu thương được chị kể thật tự nhiên, thoải mái...
Cưới nhau gần 20 năm (kể từ năm 1995), nhưng hầu như vợ chồng chị được ở bên nhau rất ít. Trước khi ra công tác ở nhà giàn, anh cũng đóng quân xa nhà và thường xuyên đi biển. Anh bảo, cái nghiệp của lính Hải quân phải gắn liền với tàu thuyền, biển đảo, bởi thế mới có câu hát "biển một bên và em một bên". Bao nhiêu năm vắng chồng ngày Tết là bấy nhiêu năm chị thay chồng làm trụ cột gia đình. Từ gói bánh chưng, bày bàn thờ, sơn lại nhà cửa... đến cúng giao thừa và đi chúc Tết hai bên nội, ngoại đều một mình chị gánh vác. Chị tâm sự: "Mấy năm đầu nhìn vợ chồng con cái người ta sum vầy, cùng nhau đi hái lộc đầu xuân, trong khi nhà mình vắng ngắt tôi cũng thấy tủi thân. Nhưng nghĩ lại, mình vẫn còn hạnh phúc và vinh dự hơn nhiều người khác bởi chồng mình đang làm nhiệm vụ quan trọng là bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Chính suy nghĩ ấy đã làm tôi nguôi ngoai, gắng sức lo chu toàn mọi việc". Nói rồi chị cùng các con xếp lại giỏ quà, chuẩn bị đi chúc Tết. Nhìn mẹ con chị quây quần, tíu tít, tôi ướm lời sẻ chia: "Nếu anh Hoạt ở nhà, những việc này chắc chị đã không phải làm rồi". Chị Tươi gật đầu: "Anh ấy chu đáo lắm, việc gì cũng cố giúp vợ con. Người ta bảo cưng vợ như lính nhà giàn mà". Tiếng cười của chị thật tự nhiên, ấm áp như lan tỏa tình tảm sang tôi. "Cháu có thức cùng mẹ đón giao thừa không?" - Tôi kéo cậu bé thứ hai vào lòng hỏi chuyện. Nó nhanh nhảu: "Có chứ. Cháu thức phụ mẹ sắp cơm cúng giao thừa, rồi còn đi chùa với mẹ. Một mình mẹ đi đường xa, trời tối cháu không yên tâm. Bố Hoạt dặn như thế!". Rồi nó kể: "Năm ngoái, lúc giao thừa hai mẹ con cháu lên chùa lễ Phật. Đến đoạn đường dốc và vắng vẻ nhất thì xe chết máy. Hai mẹ con phải dắt bộ quay về, vừa sợ, vừa buồn. Tự nhiên cháu ước giá có bố ở nhà lúc ấy"... Câu chuyện cháu kể vừa hồn nhiên, vừa như khôn trước tuổi khiến tôi bỗng se lòng.
Mẹ con chị Tươi sắp xếp giỏ quà Tết |
Như có bố ở nhà
"Lúc giao thừa bố cháu gọi điện về chúc Tết, giọng nói to và vui lắm! Chắc bố cháu vẫn mạnh khỏe. Năm nay cả nhà cháu vẫn đủ 4 người đón Tết".- Cậu bé Bùi Xuân Sơn, con trai của anh chị ríu rít khoe. Chị Tươi giải thích: "Tết nào anh ấy vắng nhà là các cháu lại đề nghị tôi mỗi khi nghe điện thoại đều phải mở loa để chúng nghe giọng bố. Anh em nó bảo, như thế mới có cảm giác bố vẫn đang ở nhà". Tôi chợt hiểu tại sao mới vừa đến cổng đã nghe giọng chị trò chuyện rất vui với chồng. Dường như, ở gia đình những người lính biển, việc gọi điện thoại bật loa ngoài để cả nhà cùng nghe đã trở thành nét đặc trưng. Chiếc điện thoại là "cầu nối" đất liền với biển, nối hai đầu nỗi nhớ giúp khoảng cách không gian như xích lại gần hơn. Chẳng thế mà có nhiều ông bố ở tận ngoài biển, đảo vẫn hằng ngày gọi điện về đất liền hướng dẫn con giải toán từ xa. "Ngày Tết cháu làm gì giúp mẹ?" - Nghe tôi hỏi, cậu anh Bùi Xuân Vinh trả lời: "Khi còn ở nhà bố cháu làm hết mọi việc. Lúc ra nhà giàn công tác, bố cháu dặn phải đỡ đần mẹ nhiều hơn. Mấy ngày trước Tết cháu phụ giúp mẹ dọn dẹp nhà cửa. Thời khắc giao thừa cháu chúc Tết gia đình rồi gọi điện chúc Tết ông bà nội, ngoại giống như khi bố cháu ở nhà. Tết năm nay cũng vậy chú ạ".
Nghe Vinh tâm sự, tôi cảm nhận được cháu đã lớn hơn nhiều trong suy nghĩ, thể hiện rõ vai trò của con trai cả trong gia đình khi thiếu vắng người cha. Được biết, các con của anh chị đều chăm ngoan, học giỏi. Cháu Sơn khoe: "Mới đầu năm cháu đã được nhà trường tặng thưởng. Thành tích ấy có công của bố và sự động viên của mẹ. Hằng ngày, mẹ thường nhắc nhở anh em cháu, bố phấn đấu, mẹ phấn đấu, các con phấn đấu, như thế là cả nhà mình cùng vui, cùng tiến bộ".
Tôi cười chung vui với cháu mà thấy lòng ấm lạ. Tự nhiên tôi muốn thốt lên như để chia sẻ cùng Trung tá Bùi Xuân Hoạt và những người lính nhà giàn "Anh ơi có nghe lời người từ phố biển...".
Bài, ảnh: HOÀNG THÀNH
gia đình gia điện thoại bão
Đăng nhận xét