Posted by : Unknown 13 tháng 3, 2013

người dân du lịch phát huy du khách phát triển tiềm năng xây dựng việt nam văn hoá gia

QĐND - Nằm trong chuỗi các hoạt động của Năm Du lịch quốc gia đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng 2013, từ ngày 21 đến 23-3 (tức ngày 10 đến 12-2 âm lịch), tại huyện Khoái Châu (Hưng Yên) sẽ diễn ra lễ hội truyền thống Chử Đồng Tử - Tiên Dung. Nhân sự kiện này, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Huy Bình, Chủ tịch UBND huyện Khoái Châu về việc khơi dậy, phát huy tiềm năng văn hóa - du lịch của địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng quê hương giàu đẹp.

Ông Phạm Huy Bình

PV: Khoái Châu được biết đến là một vùng đất có bề dày lịch sử và giàu truyền thống văn hóa. ông có thể phác họa vài nét về mảnh đất, con người và văn hóa của huyện Khoái Châu?

Ông Phạm Huy Bình: Khoái Châu là vùng đất cổ, được hình thành rất sớm. Việc phát hiện ra trống đồng Đông Sơn ở Cửu Cao, Liên Nghĩa ở huyện Văn Giang (giáp với huyện Khoái Châu) đã chứng tỏ vùng đất này thời đó đã có dân cư và có chung nền văn hóa Đông Sơn. Trải qua nhiều sự thay đổi về địa giới hành chính với nhiều tên gọi khác nhau, nhưng người dân Khoái Châu luôn phát huy bản chất cần cù, sáng tạo, chung sức đồng lòng chế ngự thiên nhiên, bám làng giữ đất, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Sau nhiều lần chia tách, sáp nhập, tháng 9-1999, huyện Khoái Châu được tái lập với 24 xã và 1 thị trấn.

Nằm ở trung tâm vùng văn minh sông Hồng, Khoái Châu có nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đa dạng như: Hệ thống quần thể các di tích, kiến trúc cổ, các truyền thuyết đậm trữ tình, các sản phẩm trên chất liệu dân gian... Người dân Khoái Châu có truyền thống hiếu học, từ năm 1075 đến 1919, Khoái Châu có 23 người đỗ đại khoa, đóng góp nhiều công sức, trí tuệ cho sự phát triển của quê hương, đất nước. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Khoái Châu và 9 xã, thị trấn của huyện đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

PV: Là một trong những huyện giàu tiềm năng du lịch của tỉnh Hưng Yên, huyện Khoái Châu đã khơi dậy tiềm năng đó như thế nào, thưa ông?

Ông Phạm Huy Bình: Tiềm năng du lịch của Khoái Châu khá phong phú cả về tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch nhân văn. Toàn huyện có 133 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 25 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và 12 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Nổi bật nhất là quần thể đền Đa Hòa - Bình Minh, đền Hóa - Dạ Trạch gắn với truyền thuyết Chử Đồng Tử - Tiên Dung nằm trong tuyến du lịch chính trên sông Hồng (Hà Nội - Phố Hiến). Đền Dạ Trạch gắn với các địa danh lịch sử oai hùng của Triệu Quang Phục chống giặc nhà Lương. Bên cạnh đó, Khoái Châu còn có nhiều địa danh nổi tiếng như: Đầm Dạ Trạch - nơi gắn với tên tuổi của Triệu Việt Vương trong cuộc chiến bảo vệ nền độc lập cho nước Vạn Xuân; Hàm Tử, Tây Kết nơi diễn ra các trận thắng trong kháng chiến chống quân Nguyên của thời nhà Trần; Bãi Sậy gắn với khởi nghĩa Bãi Sậy chống Pháp của Nguyễn Thiện Thuật; Di tích Sài Thị thuộc thôn Sài Thị (xã Thuần Hưng) là nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên của tỉnh Hưng Yên...

Đông đảo người dân tham dự Lễ hội truyền thống Chử Đồng Tử - Tiên Dung. Ảnh: Nguyễn Hoa

Những năm gần đây, cùng với việc phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống dân sinh, Huyện ủy, UBND huyện Khoái Châu ngày càng quan tâm nhiều hơn đến việc khơi dậy và phát huy tiềm năng du lịch văn hóa. Huyện đã và đang đẩy mạnh công tác quy hoạch, tu bổ, tôn tạo hệ thống đình, đền, chùa, trước hết là tập trung vào di tích được xếp hạng cấp quốc gia theo đúng Luật Di sản văn hóa; đồng thời tăng cường quảng bá, tuyên truyền để thu hút người dân, du khách đến tham quan, thưởng lãm những danh lam, thắng cảnh của Khoái Châu. Một trong những lợi thế của Khoái Châu là tiềm năng về du lịch văn hóa và du lịch ẩm thực. Vì vậy, chúng tôi đang nghiên cứu, xây dựng các tuyến, tua du lịch cùng với những sản phẩm ẩm thực đặc trưng của huyện như: Nhãn lồng muộn, gà Đông Tảo, bánh răng bừa. Trong đó, huyện sẽ tập trung xây dựng quần thể di tích đền Đa Hòa - Bình Minh, đền Hóa - Dạ Trạch thành những điểm đến hấp dẫn.

PV: Nói đến Khoái Châu là nói đến Lễ hội truyền thống Chử Đồng Tử - Tiên Dung. Vậy huyện Khoái Châu sẽ làm gì để lễ hội này ngày càng "định vị" trong lòng du khách bốn phương?

Ông Phạm Huy Bình: Chử Đồng Tử là biểu tượng của lòng hiếu thảo, của tình yêu đôi lứa, của khát vọng mở mang đất đai, trồng lúa nước, mang lại no ấm, bình yên cho nhân dân. Truyền thuyết về thiên tình sử Chử Đồng Tử- Tiên Dung thể hiện một cảm quan tuyệt diệu về việc người, việc đời nơi dương thế của nhân dân vùng đồng bằng Bắc Bộ trong việc khai phá vùng đầm lầy, phù sa ven sông Hồng từ buổi bình minh dựng nước. Thật vinh dự, tự hào cho người dân Khoái Châu, từ xa xưa đã được đại diện cho nhân dân cả nước thờ anh linh Chử Đồng Tử - Tiên Dung, một trong "tứ bất tử" của văn hóa truyền thống Việt Nam.

Năm nay, Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung của huyện Khoái Châu được tỉnh Hưng Yên và Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chọn là một trong điểm nhấn của Năm Du lịch quốc gia đồng bằng sông Hồng- Hải Phòng 2013. Cùng với duy trì các nghi thức truyền thống, huyện sẽ tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao để góp phần làm phong phú nội dung lễ hội.

Nhân đây, tôi xin chia sẻ với bạn đọc rằng, về với Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung là du khách được "tắm mình" trong lễ hội tình yêu đậm đà bản sắc Việt, được hòa vào không khí chan hòa, đầm ấm của tình đồng bào thiêng liêng, được thỏa sức ngắm nhìn cảnh quan sông nước, làng quê yên bình, thơ mộng và hơn thế, được thỏa mãn nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng về một trong "tứ bất tử" của dân tộc Việt Nam.

PV: Xin cảm ơn ông!

NGUYỄN VĂN HẢI(thực hiện)

việt nam gia du khách văn hoá xây dựng phát triển phát huy người dân du lịch tiềm năng

Popular Post

Blog Archive

Được tạo bởi Blogger.

- Copyright © Tin Moi Online, Tin Tuc, Tin Moi, News, Tin Tong Hop