- Back to Home »
- Tại sao giá sữa thích là tăng?
doanh nghiệp chi phí phát triển phí thương mại quảng cáo trách nhiệm đạo đức kinh doanh thông tin cạnh tranh người dân gia lợi nhuận nền kinh tế việt nam thị trường sản phẩm người tiêu dùng công khai thông tin kinh doanh kênh phân phối tiêu dùng độc quyền
Giá sữa đã chính thức được các hãng điều chỉnh tăng từ 1/3, để lách luật và tăng giá sữa, nhiều hãng sữa nhập khẩu đã thay đổi nhãn mác, chuyển đổi từ sản phẩm sữa sang gọi là thực phẩm bổ sung, thực phẩm dinh dưỡng... Với chiêu thức này các doanh nghiệp không cần phải kê khai giá với cơ quan quản lý, chỉ cần thống báo trước thời điểm, mức tăng/giảm giá.
Theo Ths. Nguyễn Duy Đạt, Phó trưởng Bộ môn Kinh tế Quốc tế (Khoa Thương mại Quốc tế, Đại học Thương mại HN), sở dĩ hiện nay các hãng sữa có thể tăng giá liên tục là do cấu trúc của thị trường sữa có thể nói là có tính độc quyền cao (có thể tạm gọi là độc quyền nhóm) trong đó người bán (các hãng sữa) có sức mạnh thị trường lớn trong việc ấn định giá.
Độc quyền nhóm đang quyết định giá bán sữa. |
Thực tế, thị trường sữa Việt Nam bị chi phối bởi vài hãng sữa lớn. Các hãng này với sức mạnh về thương hiệu, R&D (nghiên cứu và phát triển), hệ thống phân phối, các chuyên gia... dễ dàng nắm vị thế dẫn đầu trên thị trường.
Họ có thể ấn định giá cao nhằm chiếm lợi nhuận độc quyền mà không cần lo sợ sự cạnh tranh từ các hãng nhỏ hơn, do nhiều người tiêu dùng không dám đem sức khỏe của trẻ nhỏ, người già để thử nghiệm các sản phẩm của các hãng nhỏ.
Còn các hãng sữa nhỏ hơn, sữa nội khi thấy các hãng sữa lớn tăng giá, thì cũng không lý do gì không tăng, khi mục đích cuối cùng của doanh nghiệp vẫn là lợi nhuận.
Ông Đạt cho rằng, đó là cái gốc của vấn đề, khiến cho mọi biện pháp kiểm soát giá chỉ là phần ngọn, không sớm thì muộn các hãng sữa sẽ có cách lách các biện pháp kiểm soát giá. Dù ta có biết cũng không làm khác được, người dân vẫn phải chấp nhận mua giá cao, vì con họ, người nhà họ ốm không thể không dùng sữa.
Điều này được củng cố bởi tính bất đối xứng về mặt thông tin trên thị trường sữa, khi nhà sản xuất nắm toàn bột thông tin về sản phẩm, còn người mua chỉ biết những thông tin mà nhà sản xuất muốn cho họ biết thông qua các kênh khác nhau. Đấy là do tính khó thẩm định của mặt hàng sữa. Không chỉ nước ta, mà người tiêu dùng các nước khác cũng bị các hãng lừa, vì sự kiểm định của người tiêu dùng là rất khó khăn, tại cửa hàng anh không thể móc sữa ra thử được.
Ông Đạt dẫn chứng vụ sữa dê Danlait, dù độ đạm chỉ từ 12-18% không đủ tiêu chuẩn để gọi là sữa (quy định VN độ đạm phải 34% mới gọi là sữa), nhưng họ vẫn gắn mác sữa, rồi quảng cáo thổi phồng lên, người dân thấy họ bảo tốt thì cũng chỉ biết là tốt, sao kiểm chứng được khi cơ quan chức năng không vào cuộc. Vụ việc vỡ lở người ta mới té ngửa.
Tại Việt Nam, theo ông Đạt, giá sữa cao không chỉ vì giá nguyên liệu cao, một phần cũng vì các chi phí thương mại là rất cao, cộng với chi phí quảng cáo lớn cũng đội giá sữa và tất cả các chi phí này người tiêu dùng đều phải gánh chịu. Trong khi thực tế tính trách nhiệm đối với xã hội của doanh nghiệp Việt vẫn còn thấp.
Như vụ sữa Danlait, theo tờ khai hải quan của công ty Mạnh Cầm, giá nhập về Việt Nam là 80.000 đồng/hộp, trong khi giá đến tay người tiêu dùng là hơn 400.000 đồng/hộp, vậy là có khoảng 300 ngàn đồng (ngoài các khoản thuế) là dành cho các chi phí thương mại, quảng cáo và lợi nhuận của doanh nghiệp, đây là một con số quá cao. Nếu không có vụ lùm xùm vừa qua, họ không công bố những giấy tờ đó thì làm sao người dân biết được.
Về giải pháp quản lý, theo ThS. Nguyễn Duy Đạt, trước mắt là quản lý giá, nhưng về lâu dài phải giải quyết cái gốc của thị trường, là hạn chế độc quyền, tăng tính cạnh tranh đi kèm với các biện pháp giảm tính bất đối xứng thông tin trên thị trường sữa. Đồng thời, tạo sự giám sát của cộng đồng với trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp kinh doanh sữa.
Để hạn chế độc quyền, tăng tính cạnh tranh trên thị trường sữa, ông Đạt đề xuất cần xác định lại tỷ lệ xác định doanh nghiệp chiếm thị phần chi phối trong những doanh nghiệp kinh doanh sữa. Đồng thời có những giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ phát triển.
Cơ quan quản lý cũng cần khắc phục tình trạng bất đối xứng thông tin, như yêu cầu các hãng công khai thông tin, nghiên cứu tính chính xác trong các công bố công dụng của sữa để người dùng biết được giá cao có xứng đáng không.
Về lâu dài cũng cần cải cách nền kinh tế theo hướng giảm chi phí thương mại, hình thành thị trường đồng bộ; phát triển hệ thống kênh phân phối. Đồng thời cần nâng cao đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp...
Lê Việt
lợi nhuận quảng cáo kinh doanh trách nhiệm gia việt nam phát triển kênh phân phối phí thương mại thị trường thông tin sản phẩm độc quyền người tiêu dùng nền kinh tế tiêu dùng người dân doanh nghiệp công khai thông tin đạo đức kinh doanh chi phí cạnh tranh
Đăng nhận xét